(Trích trong ‘Đắc tâm tập y án’ của Tạ Ương Lô đời nhà Thanh, Trung Quốc)
Con trai ông Hùng Thanh Bình, 20 tuổi, cảm bệnh ôn nhiệt, tự ý uống thuốc loại trị cảm mạo, không những không khỏi mà khi mời thầy thuốc đến, vị này lại cho là chứng âm hư, cho dùng ‘Lục vị địa hoàng thang’ (Hoài sơn, Đơn bì, Sơn thù, Phục linh, Thục địa, Trạch tả) lại càng lầm hơn. Uống như thế suốt cả tuần đến nỗi ngực bụng đều no đầy, hơi để tay vào đã thấy đau, tê, chứng sốt về chiều (triều nhiệt) tuy hơi thoái lui nhưng tay chân lạnh toát, móng tay chân đều thâm đen, lưỡi khô, miệng vẫn không khát nhưng đổ nước cho thì cũng nuốt, đại tiện thì 5 ngày vẫn chưa đi được một lần, nước tiểu vàng và ít, họng sưng nghẹt, miệng không nói được, tai điếc, hỏi chẳng hề nghe, ở cả 6 bộ mạch, cất tay lên cũng như ấn xuống đều không thấy nhảy.
Vậy mà thầy thuốc không xét đến chỗ ‘nhiệt thâm quyết diệc thâm’ (nóng càng vào sâu, chứng quyết càng thịnh) và ‘uất nhiệt súc thịnh, mạch phản trệ sắc’ (ông Lưu Hà Gian nói rằng: “Uất nhiệt đến khi quá độ, thần thức hôn mê và phát sinh quyết nghịch, nhưng mạch lại trệ sắc và có vẻ Vi, Tế, muốn tuyệt, nếu thấy thế, tưởng là hư hàn mà dùng ôn bổ thì không thể cứu được nữa). Cũng như vì ‘quá nóng cho nên thần trí hôn mê, miệng không còn biết khát nữa’. Ngoài ra, thầy thuốc đó không chịu đem những điều đã xem xét (vọng), nghe (văn) và hỏi (vấn) được, cùng với mạch (thiết), so sánh và suy luận, mà chỉ căn cứ vào giả tượng là phát quyết và mạch Phục rồi cho rằng bụng no đầy là vì âm hàn nghịch lên trên, không quan tâm đến việc ấn vào thấy dễ chịu hoặc khó chịu. Cho rằng họng sưng nghẹt là do dương hư phù lên trên mà không để ý đến sắc đỏ hoặc trắng và hơi thở là vì âm hàn không hóa mà không để ý gì đến các chứng bỉ, mãn, đầy, cứng, đều kiêm đủ cả rồi, bỏ qua tất cả những bằng chứng nội nhiệt, vội cho là giả nhiệt rồi cho dùng bài ‘Tứ nghịch thang’ (Phụ tử, Can khương, Chích thảo) mà lại cho Phụ tử đến 40g. Vợ chồng ông Bình, vì còn nghi ngờ chưa dám cho uống nên hỏi ý kiến tôi. Tôi xem xét cả bên ngoài lẫn bên trong, biết đó là ôn nhiệt trong bệnh (bệnh ôn nhiệt nặng), dương tà đã đến lúc cùng cực nên trở lại kiêm hóa hán, khác nào như vì trời quá khô hạn, nên phát sinh mưa đá. Bệnh thế đến đây kể cũng nguy.
Hỏi han và xem đi xét lại tỉ mỉ tôi mới rõ là vì lúc bệnh còn ở ngoài, không được giải biểu đã đành, đến lúc vào trong (lý) cũng không được công hạ, do đó, hiện nay mới nuôi dưỡng thành nhiệt chứng, cực kỳ khó, nặng đến như vậy. Lại xem mạch thì ấn tay xuống và nhấc tay lên, tuy không thấy, nhưng đè mạnh đến xương thì nghe mạch nhảy rất cứng. Thế là gốc mạch vẫn còn chứ chưa tuyệt. Tôi mừng là còn có thể trị được, liền nói: “Đây chính là chứng đại nhiệt”, sau đó, ghi toa thuốc ‘Hoàng liên giải độc thang’ (Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá, Chi tử) hợp với ‘Phổ tế tiêu độc ẩm’ (Hoàng cầm, Hoàng liên, Cam thảo, Huyền sâm, Liên kiều, Bản lam căn, Mã bột, Ngưu bàng tử, Bạc hà, Cương tằm, Thăng ma, Sài hồ, Cát cánh, Trần bì), thêm nhiều Đại hoàng, dặn uống luôn ngày 1 thang, đêm 1 thang, cốt làm cho đại tiện thông thì hỏa mới khỏi phục vào trong, tay chân mới hết lạnh và mạch mới hiện rõ được. Trong khi ông Bình đang còn phân vân vì hai thầy thuốc, thì một thầy cho dùng Phụ tử, một thầy dùng Hoàng liên. Thật là băng và lửa hai đàng, chưa biết nên theo bên nào thì vợ anh ta nóng nảy muốn cầm đơn của tôi đi để lấy thuốc.
Ông Bình vì chưa dám quyết đoán nên mời thêm một thầy thuốc nữa. Ông này xem qua loa rồi bảo là chứng âm độc. Nhưng vợ anh ta nói: “Sống hoặc chết đều có số, tuy vậy uống thuốc của Tạ tiên sinh thì dù có chết tôi cũng không ân hận”. Thấy vợ có ý kiên quyết nên ông Bình đành phải theo, chứ khi thuốc sắc xong rồi, ông ta vẫn không khỏi còn rụt rè, lo nghĩ. Thấy chồng như vậy, chị vợ bèn giành lấy thuốc, rồi mạnh dạn cho con uống, uống từ từ ít một, mãi đến 2 giờ sau mới hết. Sau đó anh ta đi tiểu tiện được khá nhiều và dài, lập tức kêu khát và đòi uống. Ông Bình thấy con mình tinh thần đã tỉnh táo, thì sắc tiếp 1 thang nữa, đến đêm lại đại tiện đi được rất nhiều, rồi chân tay hết lạnh, đồng thời mạch cũng thấy rõ hơn.
Sáng hôm sau, tôi xem lại, cho uống thêm bài ‘Lương cách tán’ (Liên kiều, Cam thảo, Đại hoàng, Mật ong), thiên về phép lương Vị (làm cho Vị được mát).
Sau đó, nhân bưng lễ ra để tạ ơn, ông Bình nói rằng: “Các thầy khác đều bảo là âm hàn, duy chỉ mình thầy lại quả quyết là dương nhiệt, nhờ đó, tính mạng mỏng manh của con tôi mới còn. Thật chúng tôi đã mang nặng công ơn của thầy, coi như thầy đã đẻ con tôi lần thứ hai nữa đó. Tuy nhiên, phương thuốc của thầy dù có hay nhưng nếu không có sự kiên quyết của vợ tôi thì con tôi cũng không khỏi chết vì ôn dược”.
Tôi đang ngạc nhiên không hiểu vì sao vợ ông Bình này lại chỉ tin có một mình tôi như thế, thì lúc đó, chị ấy ở trong phòng bước ra đến trước mặt tôi để tỏ lời cảm ơn. Chị ấy nói: “Lúc thầy mới xem qua con tôi, nét mặt thầy có vẻ lo, đó là lo về việc khó trị. Đến khi xem xét xong, thầy có vẻ trù trừ suy nghĩ, đó là suy nghĩ về việc có thể trị được. Sau đó, xem xét lại lần nữa, trên khuôn mặt thầy bỗng hiện ra một vẻ vui mừng, đó là mừng về việc đã nghĩ ra phương pháp thích hợp vậy. Hơn nữa, xét bệnh thì cẩn thận chu đáo mà kê đơn hạ bút xuống thì thoăn thoắt, chỉ trong nháy mắt là xong, chứng tỏ thầy không còn nghi ngờ một chút nào nữa. Đấy, thầy thận trọng, tự tin đến như thế thì bảo tôi còn nghi ngờ gì nữa”.
Tôi nghe xong, rất lấy làm cảm phục. Ôi, trong 4 phép (tứ chẩn): Vọng, Văn, Vấn, Thiết thì phép Vọng (xem xét) là đứng đầu, thế mà có nhiều thầy thuốc lại coi thường. Nay vợ ông Bình này, nhờ ở chỗ xem xét thần sắc mà biết được ý tứ của thầy thuốc. Vậy chúng ta (các thầy thuốc) nếu lơ là không chú trọng đến thần sắc, không sợ hổ thẹn với đàn bà lắm sao?
(Trích sách ‘Cổ kim y án’)
Chẩn bệnh luôn quan trọng trước khi phục thuốc