Bạch chỉ – Cây thuốc quen thuộc trong Y học cổ truyền

Thông tin chung

Tên gọi: Bạch chỉ

  • Tên khoa học: Angelicae dahurica (Fisch), Benth et Hook – Hang bạch chỉ – Hương bạch chỉ – Bạch chỉ Hàng Châu.

         Angelicae anomala Lallem: Xuyên bạch chỉ, Bạch chỉ Tứ xuyên

đều thuộc họ Hoa tán (Apiaceaea)

  • Tên khác: Dahurian Angelicae Root (Anh).

 

Bộ phận dùng: Rễ của 2 loại cây Bạch chỉ nói trên (Radix Angelicae dahuricae) phơi hay sấy khô. Đã được ghi vào Dược điển Việt Nam (1983) và Dược điển Trung Quốc (1963, 1997).

Mô tả cây: Cây Bạch chỉ – Angelica dahurica là cây sống lâu năm, cao 1 – 2m. Rễ to, mùi thơm tinh dầu và có phân nhánh. Thân hình trụ tròn rộng, đường kính 2 – 3cm, mặt ngoài màu tím hồng (có thứ thân hơi tía, có thứ thân trắng) phía dưới thân nhẵn, không có lông nhưng phía trên gần hoa tự có lông ngắn. Lá xẻ 3 lần lông chim, mép có răng cưa, có cuống dài phình ra thành bẹ. Hoa tự hình tán kép, mọc ở kẽ lá hay đầu cành, hoa màu trắng. Mùa hoa vào tháng 6 – 7. Quả bế đôi, thường gọi nhầm là “hạt”. Mùa quả vào tháng 7 – 8.

Phân bố: Cây bạch chỉ được trồng có kết quả tại vùng đồng bằng (Văn Điển, Hà Nội) cũng như ở những vùng núi cao mát mẻ: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sapa (Lào Cai). Hiện nay nước ta đang phát triển trồng cây này. Trồng bằng hạt vào tháng 8 – 9 (cần chú ý loại hạt này có tinh dầu nên bảo quản phải đúng kỹ thuật).

Ở Lai Châu còn trồng một loài Bạch chỉ khác, tạm gọi là Bạch chỉ Lai Châu hoặc gọi là Độc hoạt Lai Châu (Tên KH: Angelica taiwaniana Boiss). Chữa nhức đầu, ngoài ra còn có tác dụng cầm máu.

Quản lý CITES: Không.

Thu hái, chế biến: Thường thu hoạch sau khi trồng khoảng 10 tháng, lúc lá bắt đầu úa vàng (có thể cuối xuân nếu trồng vào đầu thu hoặc là cuối thu nếu trồng vào đầu xuân). Đào lấy rễ, cắt phần trên có rễ, loại bỏ rễ con. Phơi nắng hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 40°C – 50°C cho khô.

Bạch chỉ mùi thơm đậm, vị cay, hơi đắng. Bạch chỉ xếp loại 1 có rễ dài trên 8cm, nguyên rễ cái to mập, đường kính trên 1cm, khô chắc, be ra có mùi thơm đậm, không mốc mọt, là tốt. Loại có kích thước nhỏ và ngắn hơn thì xếp loại 2. Loại bạch chỉ nhỏ quá hoặc to quá, xốp, ít thơm là kém; ngoài ra còn dùng cả rễ con.

Thủy phân an toàn dưới 13%.

Tránh nhầm lẫn với rễ của cây Bạch chỉ nam (Robinia amara Lour, họ Cánh bướm Papilionaceae), là một cây nhỏ, cao 1,50 – 1,80m, hoa mọc thành chùm, màu tím nhạt. Bạch chỉ nam mọc hoang tại nhiều tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Rễ to, màu hơi vàng, dùng sắc với một số vị thuốc khác chữa đau bụng, ỉa chảy.

Hiện nay còn dùng rễ của cây Bạch chỉ Triều Tiên (Angelica dahurica Maxim).

Thành phần hóa học, công dụng

Thành phần hóa học: 

  • Trong Xuyên bạch chỉ có chừng 0,43% chất angelicotoxin, một chất nhựa màu vàng vị đắng, có tính chất kích thích; ngoài ra còn có 0,2% chất byak – angelicin C17H18O7, 0,2% chất byak-angelicola C17H16O6, acid angelic C4H7COOH và tinh dầu.

Tác dụng dược lý

  • Với liều nhỏ, angelicotoxin có tác dụng hưng phấn đối với trung khu vận động huyết quản, trung khu hô hấp và dây thần kinh phế. vị (nerf vague), làm cho huyết áp tăng cao, nhịp mạch chậm lại, hơi thở kéo dài, chảy dãi và nôn mửa.
  • Với liều lớn, có thể dẫn tới co giật và toàn thân tê liệt. Độc tính của angelicotoxin có thể sánh giống như chất xicutoxin (cicutoxin), nhưng không mạnh bằng. Hoạt chất khác trong bạch chỉ chưa rõ.
  • Năm 1950, Lưu Quốc Thanh và Trương Duy Tân nghiên cứu tác dụng kháng sinh của bạch chỉ đối với một số vi trùng thì thấy bạch chỉ có khả năng ức chế sự sinh trưởng của trực khuẩn côli, trùng ly Sonner, trùng trực khuẩn mủ xanh (pyocyanus) và vì trùng thổ tả.

Tính vị

  • Vị cay, tính âm.

Quy kinh

  • Vào kinh Phế, Vị và Đại Tràng.

Tác dụng

  • Có tác dụng trừ phong hàn, ra mồ hôi, lưu thông máu, tiêu mủ, lên da non, giảm đau.
  • Dùng làm thuốc giảm đau, chữa nhức đầu, cảm mạo, đau răng, chảy nước mũi hôi thối, viêm xoang, viêm ruột, đại tiện ra máu, trĩ rò loét, áp xe lạnh, mụn lở, da dẻ khô ngứa, phụ nữ khí hư.

Liều dùng: 3 – 6g sắc hoặc tán thành bột uống.

Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng mát.

Vị thuốc bạch chỉ

Bài thuốc dân gian

Bài 1: Chữa chứng cảm lạnh

  • Thành phần: Bạch chỉ (3g), Đại táo (6g), Đậu khấu (3g), Sinh cam thảo (3g), Sinh khương (5g), Thông bạch (3g).
  • Cách dùng: Sắc uống cho ra mồ hôi.

Bài 2: Chữa mụn nhọt đau nhức, lên mủ nhưng chưa vỡ

  • Thành phần: Bạch chỉ (3g), Thanh bì (3g), Đương quy (4g), Tạo giác thích (2g), Xương truật (3g), Ý dĩ nhân (6g).
  • Cách dùng: Sắc uống.

Bài 3: Chữa viêm mũi, đau đầu

  • Thành phần: Bạch chỉ (9g), Ké đầu ngựa (9g), Tân di (9g), Bạc hà (4,5g).
  • Cách dùng: Tán mịn, mỗi lần uống 3g, ngày 2 – 3 lần.

Bài 4: Bột khung chỉ

Chữa cảm cúm, viêm xoang, hắt hơi sổ mũi, có thể dùng làm thuốc xông mũi.

  • Thành phần: Bạch chỉ (4g), Xuyên khung(4g).
  • Cách dùng: Tán mịn, mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần.

Leave Comments

0865032706
0865032706