Hoa sen còn được gọi là liên, quỳ, được liệt vào hàng “quốc sắc thiên hương”. Theo Đông y, mỗi bộ phận của cây sen có tính trị liệu khác nhau. Hãy cùng Thảo dược Manna tìm hiểu về loài sen nhé. |
Gương sen, lá sen, vỏ ngoài hạt sen đều có tính mát, trị tiêu chảy, cầm máu, điều kinh; hạt sen là vị thuốc bổ tì, bổ thận; nhụy sen: thông thận, cầm máu, giữ tinh (liên tu bất tận); tâm sen (còn gọi là liên tử tâm/ lõi xanh trong hạt sen) có tác dụng an thần, trị huyết áp cao; ngó sen có tác dụng thanh nhiệt, dùng sống giải rượu, nấu chín giải độc trong thức ăn hải sản; củ sen có tác dụng chữa bệnh mất ngủ, hoạt tinh.
Hạt sen, tâm sen, đài sen, ngó sen, nhụy sen, … đều có thể ăn, hoặc làm rau, đặc biệt là hạt sen đã trở thành loại thực phẩm rất phổ biến và được yêu thích. Canh từ thần (phục linh, hạt súng, ý dĩ, sơn dược) thêm hạt sen, hầm với dạ dày lợn (ôn tính) hoặc ruột lợn (tính lạnh) có thể điều dưỡng tràng vị và thận, tỳ trong thời kỳ dậy thì; ăn hạt sen trị các chứng mệt mỏi quá mức, đánh trống ngực, hồi hộp, mất ngủ, nước tiểu trắng đục và bệnh khí hư …
Hoa sen (liên nhục): Có vị đắng ngọt, ôn tính, hợp với kinh mạch tim, gan, tỳ, thận, bổ tim, bổ thận, bổ tỳ, giúp an thần, làm tinh thần bình tĩnh, vui vẻ, trị chứng mộng mị ban đêm, bổ khí, thanh nhiệt giải độc, làm mát máu, hoạt huyết, trị thương, thổ huyết, kiết lâu ngày, tả nhẹ, khí hư ra nhiều, đau lưng, tiết tinh, chảy máu cam, mẩn ngứa, hoa sen dùng đắp ngoài chỗ bỏng dạ, đốt thành tro trị bệnh chốc lở, trộn với muối đắp để trị mụn ngòi.
Đài sen: Vị đắng chát, ôn tính, hợp với kinh mạch gan, tác dụng làm tan máu tụ, trị chứng băng huyết, kinh lậu, nhau thai không rụng, đau bụng, trĩ.
Hạt sen: Là vị thuốc quí, có tác dụng bổ dưỡng, an thần, đặc biệt dùng để trị các chứng tiêu chảy kéo dài. Đồng thời tăng cường chức năng tì vị, bảo đảm dinh dưỡng, điều hòa sự thu nạp thức ăn. Ngoài ra, trong hạt sen có chứa sắt, can-xi, tinh bột, đặc biệt là phốt-pho, chúng thường được dùng để chữa kiết lỵ, cẩm khẩu, tim đập nhanh, tiểu đục và bệnh phụ nữ. Hạt sen tươi (hoặc để khô dùng dần) còn được dùng để nấu chè, làm bánh, làm mứt, tiềm vịt, tiềm gà, …
Tâm sen: Vị đắng, tính hàn, hợp với kinh mạch tim, phổi, tỳ; có tác dụng an thần, trị sốt cao, mê sảng, hồi hộp, tim đập nhanh, huyết áp cao, giải nhiệt, giải khát, giúp cầm máu, làm toát mồ hôi, giải tỏa buồn phiền, thổ huyết, di tinh, sưng đau mắt đỏ.
Nhụy sen (liên tu): Vị ngọt chát, ôn tính, hợp với kinh mạch tim, thận; thanh lọc tim, bổ thận, cầm máu, giải nhiệt, loại bỏ phiền muộn, giải khát, làm toát mồ hôi, trị chứng thổ huyết, chảy máu cam, băng lậu, bệnh khí hư, tả lị, mộng tinh.
Tua nhị đực của hoa sen: Bỏ hạt gạo đi, rồi phơi khô gọi là liên tu. Liên tu có tác dụng chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh. Ngày uống 5 – 10 g dưới dạng thuốc sắc.
Ngó sen (liên ngẫu): Vị ngọt, tính hàn, hợp với kinh mạch tim, tỳ vị; làm tan máu tụ, cầm máu, thanh nhiệt, giải độc, trị bệnh về máu. Ngó sen giúp sản sinh ra các chất đề kháng, có tác dụng tăng cường sức sống cho các tế bào, giúp da dẻ hồng hào, nâng cao thể lực và tạo nguyên khí dồi dào cho cơ thể. Ngoài ra, ngó sen còn có tác dụng cầm máu hữu hiệu nhờ chứa hàm lượng chất sắt và tannic. Ngó sen để nguyên vỏ xay nhuyễn, ép lấy nước uống tốt để chữa các bệnh như viêm loét dạ dày, lao, bệnh phụ khoa, suy nhược thần kinh, giải độc tố giúp làn da đẹp hơn, các vết nám, tàn nhang và sẹo mờ dần…
Gương sen (liên phòng): Là nơi chứa hạt sen, có vị đắng chát, tính ôn, quy vào 2 kinh can và tâm bào. Gương sen có tác dụng tiêu ứ, cầm máu, chữa ứ huyết, bụng đau, sinh xong nhau chưa ra, băng huyết, tiểu tiện ra máu, tiểu tiện khó khăn. Người ta thường dùng gương sen già sau khi đã lấy hết hạt rồi phơi khô, sắc nước uống để chữa các bệnh trên.
Lá sen (hà diệp): Có vị đắng, tính bình, quy vào 3 kinh can, tỳ, vị. Có tác dụng thăng thanh tán ứ, thanh thử hành thủy. Dũng chữa thử thấp tiết tả, thủy chí phù thũng, lôi đầu phong, trị bệnh lỵ; tác dụng cầm máu, chữa các bệnh nôn ra máu, máu cam, băng trung huyết lỵ. Lá sen có công dụng giống với gương sen, nhưng khi bệnh cấp thì dùng lá sen. Liều dùng 15 – 20g dưới dạng thuốc sắc. Ngoài ra, lá sen còn được dùng để trị cảm nắng, say nắng, xuất huyết do sốt cao và chứng cảm sốt mùa hè. Dịch triết từ lá sen có thể trị hội chứng rối loạn lipid máu.
Hoa sen với tác dụng làm đẹp: Tất cả các bộ phận của sen đều được sử dụng để làm đẹp. Chẳng hạn, sen có khá nhiều cánh, chúng được dùng ngâm bồn (spa trị liệu) để tăng thêm nguyên khí, giúp tinh thần sảng khoái. Ngoài ra, tinh dầu của sen còn dùng dưỡng da, để loại bỏ đi các tế bào chết và massage, giúp lưu thông khí huyết.
Củ sen (rễ sen): Chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất là protein và vitamin C giúp tuần hoàn máu, chữa bệnh đậu mùa. Củ sen nấu chín (hoặc ngâm giấm) có thể làm giảm nhiệt, giảm thâm tím, tăng cường chức năng tim mạch và dạ dày.
Bài thuốc dân gian
(1). Chữa bệnh mất ngủ: Lấy tâm sen pha với nước sôi, uống như trà chữa bệnh mất ngủ, an thần. Hoặc lấy khoảng ½ kg hạt sen khô, giã vỡ, rồi rang lên với một chút muối, chú ý rang nhỏ lửa, sao cho hạt sen hơi vàng là được. Sau đó cho vào lọ đậy kín, mỗi ngày ăn một vài cái trước khi đi ngủ, nếu làm thường xuyên sẽ luôn ngủ tốt.
(2). Chữ tim hồi hộp, mất ngủ, di mộng tinh: Ngày uống từ 4 – 10 g tâm sen khô dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha, có thể thêm đường để dễ uống.
(3). An thần, giảm căng thẳng buồn phiền: Lấy tâm sen và râu củ nhân sâm nấu lên làm trà, uống vào có tác dụng loại bỏ buồn phiền, bực dọc rất tốt.
(4). Chữa bệnh đại tiện ra máu, bệnh băng đới: Ngày dùng 15 – 30g liên phòng dưới dạng thuốc sắc.
(5). Trị chứng giữ nước, phù thũng: Lấy lá sen non nấu cháo ăn.
(6). Thanh nhiệt, hạ huyết áp và giảm cholesterol: Lấy lá sen tươi hay phơi khô, thái thật nhỏ dùng để nấu cháo nhừ với đường cát trắng. Món ăn này đơn giản nhưng rất bổ và thích hợp với thời tiết nắng nóng.
(7). Chữa bệnh kiết lỵ: Lấy núm cuống lá sen giã vắt lấy nước, đun sôi để nguội rồi uống.
(8). Trà hoa sen:
- Nguyên liệu: Bông sen khô (01 bông), đường phèn (01 thìa nhỏ).
- Cách làm: Cho hoa sen vào cốc, dùng nước sôi để ngâm, sau khoảng 2 phút, hoa sen sẽ nở ra. Cho đường phèn vào, dùng thìa cafe nhẹ nhàng khuấy đều, làm trà uống.
- Công dụng: bổ huyết, trị mất ngủ.
(9). Hoa sen ninh ruột già:
- Nguyên liệu: Lòng lợn già (0,25kg), hoa sen khô (05 bông), muối (01 thìa).
- Cách làm: Lấy muối hoặc bột mì bóp lòng lợn nhiều lần và rửa sạch, chần nước sôi, vớt ra rửa sạch, cắt đoạn. Hoa sen cả cành tráng sạch, cho vào nồi ninh cùng lòng lợn đã được làm sạch và 4 bát nước, cho muối, đun to lửa đến lúc sôi thì chuyển sang nhỏ lửa, khoảng 40 phút, đợi lòng mềm là được.
- Công dụng: trị bệnh trĩ, đại tiện ra máu.
(10). Cháo lá sen
- Nguyên liệu: nửa tán lá sen khô, gạo trắng (01 cốc), muối (01 thìa cafe).
- Cách làm: Gạo trắng vo sạch, cho thêm 4 bát nước vào nấu cháo, đun to lửa đến lúc sôi, chuyển sang nhỏ lửa khoảng 15 phút. Lá sen rửa sạch, lau khô, đợi cháo sắp nhừ, phủ lá sen lên cháo, đậy chặt nắp nồi, khoảng 5 phút lấy lá sen ra và ăn cháo.
- Công dụng: Giải nóng, phù hợp làm món ăn ngày hè, giải khát, làm toát mồ hôi.
(11). Hoa sen xào gà xé phay
- Nguyên liệu: Hoa sen tươi (02 bông), ứa gà (½ miếng), ớt chuông đỏ (½ quả), dầu ăn (01 thìa canh), bột thái bạch (01 thìa nhỏ), xì dầu (01 thìa nhỏ), muối (01 thìa nhỏ).
- Cách làm: Hoa sen tươi tách thành từng cánh, cho vào nước muối rửa sạch, để ráo, thái chỉ. Thịt ức gà rửa sạch, thái chỉ, cho xì dầu và bột thái bạch vào đảo đều. Ớt đỏ rửa sạch, bỏ hạt, thái chỉ. Cho dầu ăn vào nồi đun nóng, cho gà thái vào xào, sau khi đảo đều, cho hoa sen, ớt đỏ và nửa thìa nước, muối vào, đảo nhanh một lúc là được rồi bày ra đĩa.
- Công dụng: Phụ nữ mang thai nên ăn thường xuyên có tác dụng an thai.
(12). Bánh thịt hoa sen
- Nguyên liệu: Hoa sen tươi (02 bông), thịt lợn băm (0,25kg), xì dầu (01 thìa canh), bột thái bạch (01 thìa nhỏ), bột tiêu bắc (½ thìa nhỏ), muối (01 thìa nhỏ), dầu ăn (02 thìa canh), đường (01 thìa nhỏ).
- Cách làm: Hoa sen tươi bóc riêng từng cánh, cho vào nước muối rửa sạch, để ráo, băm nhỏ. Thịt băm thêm gia vị và cho hoa sen vào trộn đều, nặn thành các bánh thịt tròn nhỏ. Cho dầu ăn vào nồi đun nóng, nhỏ lửa, thả bánh vào rán cho 2 mặt màu vàng, thêm xì dầu, đường, nửa bát nước vào, đun nhỏ lửa, khoảng 5 phút là được, bày ra đĩa.
- Công dụng: Bổ tim, thận, làm giảm đau lưng.