Suy lão là quy luật không thể tránh khỏi của con người, tuy nhiên nếu chú ý đến những nhân tố ảnh hưởng đến tuổi thọ thì việc làm chậm tiến trình suy lão là hoàn toàn có thể được. Hãy cùng Thảo dược Manna tìm hiểu thêm nhé. |
“Sinh, lớn, mạnh, già, chết” là quy luật tự nhiên của đời người, nói lên sự sống của loài người là có hạn định. <Linh khu – Thiên niên> chủ yếu luận về vấn đề tuổi trời của loài người (khoảng 90 tuổi trở đi), từ khi con người sinh ra đến sau này, từ lúc còn sơ sinh đến khi lớn mạnh, già lão rồi tử vong trong các giai đoạn sinh lý đó, từ thể thái hành động đến biến hóa tính tình, đều được luận thuật rõ ràng. Sách cho rằng tuổi thọ của con người vào khoảng 100 tuổi, từ 100 tuổi trở đi là giai đoạn suy lão và tử vong. Ngoài ra <Nội kinh> còn tiến hành phân tích cụ thể các nguyên nhân ảnh hưởng đến tuổi thọ, đó là sự sinh hoạt không điều tiết, tinh thần không dưỡng gìn, thiếu kém về luyện tập v.v…ngoài những nguyên nhân bên ngoài ảnh hưởng đến tuổi thọ ra, thực tế còn có những nguyên nhân bên trong cũng ảnh hưởng không kém đến tuổi thọ con người. Những nguyên nhân bên trong chủ yếu là:
1. Âm dương mất điều hòa
“Người sống có hình, không thể tách khỏi âm dương”, hoạt động sống của cơ thể, ắt phải lấy âm dương làm căn bản. Âm dương mất điều hòa sẽ dẫn đến suy lão, mà điều tiết âm dương bình ổn cũng có tác dụng chống lại sự già yếu.
Âm dương cân bằng là điều kiện tiên quyết để có một cơ thể khỏe mạnh
2. Tinh khí hư tổn
Khí, là căn bản và động lực duy trì hoạt động sống, là gốc của sinh hóa. Tinh, tức là âm tinh, là vật chất cơ sở cấu thành cơ thể và xúc tiến quá trình sinh trưởng phát dục. Bất kể nguyên nhân bên trong hay bên ngoài làm tổn thương tinh khí, đều làm cho quá trình suy lão tăng nhanh, làm suy giảm tuổi thọ.
3. Thận khí hư tổn
<Nội kinh> cho rằng: “Gốc của tiên thiên là ở Thận”, Thận khí là nhân tố quyết định sự mạnh yếu thọ yểu của cơ thể. Thận khí thịnh hay suy, sẽ quyết định cơ thể cường tráng hay suy nhược, tuổi thọ dài hay ngắn.
4. Tạng Tâm hư suy
Tâm là chỉ huy mọi hoạt động sống, nó hiệp điều các tạng phủ, vận hành huyết mạch. Nếu Tâm khí hư suy, sẽ ảnh hưởng đến công năng của huyết mạch và công năng của thần chí, mà khiến cho suy lão.
5. Tạng Phế suy nhược
Phế là chủ khí của toàn thân; mọi khí trong cơ thể từ lúc sản sinh đến công năng hoạt động và vận hành của chúng đều có quan hệ chặt chẽ với Phế. Nếu Phế khí suy nhược, công năng của toàn thân sẽ bị ảnh hưởng.
6. Tạng Can suy lão
Sự già yếu của cơ thể có liên quan mật thiết đến tạng Can, Can tàng huyết, có tác dụng chứa đựng và điều tiết lượng máu trong cơ thể. Can lại chủ sơ tiết, quan hệ đến sự điều đạt khí cơ trong cơ thể. Mà khí cơ thăng giáng xuất nhập thất thường, con người sẽ suy yếu, thậm chí tử vong.
(Lược trích <Đồ hình giải thích Hoàng Đế Nội kinh>)