Y Dược học cổ truyền Việt Nam hình thành và phát triển trong quá trình dựng nước, giữ nước nên có nhiều kinh nghiệm phong phú, nhiều sắc thái trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Cũng như Y Dược học hiện đại, Y Dược học cổ truyền sử dụng hai phương pháp: dùng thuốc và không dùng thuốc. Phương pháp dùng thuốc chữa bệnh chiếm tỷ trọng lớn trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Thầy thuốc chữa bệnh phải thực hiện bốn khâu chính: Lý, Pháp, Phương, Dược; đó cũng là căn cứ để lập ra một phương thuốc, theo Y học cổ truyền còn được gọi là đơn thuốc hay phương dược. |
Phương thuốc có nhiều vị thuốc thường tổ chức theo quân, thần, tá, sứ:
* “Quân”: là một hay nhiều vị thuốc có tác dụng chính trong phương thuốc, có tác dụng chữa nguyên nhân gây bệnh hoặc triệu chứng chính của bệnh.
* “Thần”: là các vị thuốc có tác dụng hỗ trợ cho vị “Quân” trong việc chữa nguyên nhân hay triệu chứng chính của bệnh.
* “Tá”: gồm các vị thuốc trong nhóm thuốc khác nhau, có tác dụng:
- Tham gia chữa triệu chứng khác của bệnh.
- Làm giảm độc tính, tác dụng phụ của vị thuốc “Quân, Thần” trong phương thuốc.
* “Sứ”: là vị thuốc làm chức năng dẫn thuốc đến các bộ phận bị bệnh.
“Quân – Thần – Tá – Sứ” là tổ chức cơ bản của một phương thuốc
Cấu tạo của một phương thuốc nhằm:
- Kết hợp điều trị nguyên nhân và triệu chứng.
- Phối hợp các vị thuốc theo cơ chế khác nhau nhằm tăng tác dụng chữa bệnh của thuốc.
- Làm giảm độc tính và tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.
Việc phối hợp các vị thuốc để xây dựng phương thuốc được gọi là phối ngũ. Khi phối ngũ, có thể xảy ra bảy tình huống khác nhau, gọi là “Thất tinh hòa hợp”, bao gồm:
- Đơn hành: Dùng một vị thuốc có tác dụng chữa bệnh, thường dùng với bệnh lý đơn giản. Ví dụ, phương thuốc Thanh kim tán dùng Hoàng kỳ chữa chứng phế nhiệt gây ho nhẹ ra máu.
- Tương tu: Dùng hai vị trở lên có tác dụng giống nhau để nâng cao tác dụng của thuốc. Ví dụ, Đại hoàng với Mang tiêu làm tăng tác dụng thanh nhiệt tả hạ.
- Tương sứ: Hai vị thuốc có công dụng khác nhau, có tác dụng hỗ trợ nhau. Ví dụ, Hoàng kỳ với Phục linh, Phục linh có tác dụng kiện tỳ lợi thủy làm tăng tác dụng bổ khí lợi thủy của Hoàng kỳ.
- Tương úy (húy, úy): Muốn dùng vị thuốc mà có độc hoặc có tác dụng phụ không mong muốn, người ta thường dùng thêm vị thuốc khác có tác dụng làm giảm độc và giảm tác dụng phụ cảu vị thuốc đó. Ví dụ, Bán hạ có độc gây ngứa, dùng Sinh khương để giảm độc gọi là Bán hạ úy Sinh khương.
- Tương ố (ghét): Khi kết hợp hai thuốc sẽ làm giảm tác dụng của nhau. Ví dụ, Nhân sâm ố La bạc tử, là làm giảm tác dụng bổ khí của Nhân sâm.
- Tương sát: Dùng một thuốc làm tiêu trừ phản ứng trúng độc của vị thuốc kia. Ví dụ, Phòng phong trừ độc của Thạch tín chế.
- Tương phản: Khi kết hợp các vị thuốc sẽ có phản ứng kịch liệt với nhau. Ví dụ, Ô đầu phản Bán hạ.
Người thầy thuốc cần phải nắm vững phối ngũ