THÔNG TIN CHUNG
- Tên gọi: Cam thảo – Cam thảo bắc
- Tên khoa học: Glycyrrhiza uralensis Fisch. Họ Đậu (Fabaceae).
- Tên khác: Diêm cam thảo, sinh cam thảo, Phần cam thảo, liquorice, sweet wood (Anh).
Mô tả:
Cây thảo sống lâu năm, cao 0,3 – 1m. Rễ dài có màu vàng nhạt. Thân có lông mềm, ngắn. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 9 – 17 lá chét hình trứng, mép nguyên.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông, hoa màu tím nhạt, tràng hoa hình cánh bướm.
Quả đậu, cong hình lưỡi liềm, dài 3 – 4cm, rộng 6 – 8mm, màu nâu đen, có lông dày, chứa 2 – 8 hạt nhỏ, dẹt, màu nâu bóng.
Mùa hoa: tháng 6 – 7; mùa quả: tháng 8 – 9.
Loài cam thảo Âu (Glycyrrhiza glabra L.) cũng được dùng với công dụng tương tự. Khác với cam thảo bắc ở chỗ lá chét thuôn dài, hoa màu lơ nhạt, quả rất dẹt, thẳng hoặc hơi cong, dài 2 – 3cm, rộng 3 – 4mm, nhẵn bóng hoặc có lông ngắn, số hạt ít hơn. Loài này còn có các thứ Glycyrrhiza glabra L. var glandulifera Waldst. et. Kit. (mọc hoang ở Trung và Đông Âu), G. glabra L. var. typica Reg. et Herd. (mọc hoang ở Bồ Đào Nha) và G. glabra L. var. violacea Boissier (mọc hoang ở Iran). Một loài nữa chỉ phổ biến ở Liên Xô trước đây là Glycyrrhiza korshinsky Grig.
Từ nhiều năm nay, qua khảo sát tìm kiếm ở những vùng rừng núi, ta đã phát hiện cây thổ cam thảo ở Cao Bằng với rễ màu vàng đất, vị ngọt nhạt và cây cam thảo Đá Bia ở Phú Yên (Telosma procumbens Merr.) để dùng thay cam thảo bắc.
Còn cây cam thảo – Sóng Rắn (Albizzia myriophylla Benth.) ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ mà vỏ rễ và vỏ thân cũng có vị ngọt, hơi lợm giọng, lại chứa chất độc. Chú ý tránh nhầm lẫn.
Phân bố, sinh thái
Chi Glycyrrhiza L. trên thế giới có khoảng 12 loài, phân bố ở vùng ôn đới ấm hoặc á nhiệt đới thuộc Châu Á, Châu Âu và bắc Châu Phi. Tuy nhiên, nơi phân bố tập trung của nhiều loài lại là vùng Trung Á, bao gồm Iran, Azerbaijan, Cazaxtan, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Mông Cổ.
Cam thảo bắc là cây ưa sáng, chịu được khô hạn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tại vùng Trung Á, ban ngày có thể nóng trên 40ºC nhưng ban đêm hoặc về mùa đông nhiệt độ xuống dưới 0ºC, nhưng cây vẫn sinh trưởng phát triển bình thường. Cây sống được trên nhiều loại đất, từ các loại đất nhiều chất vôi, đất cát khô cằn của vùng sa mạc cho đến loại đất bùn nhão trong các đầm hồ bị cạn nước. Do sống trong điều kiện khô cằn, nên bộ rễ của cam thảo bắc rất phát triển. Hầu hết các cây lâu năm, rễ đều dài trên 1m. Cam thảo bắc thường mọc lẫn với các loại cây bụi khác, trên các bờ đất dọc bờ sông, bãi giữa sông hoặc trên các sa van cây bụi ở vùng Trung Á. Đôi khi thấy cây mọc lẫn trong kiểu rừng lá rộng ôn đới. Độ cao phân bố từ 200 đến 3000m. Ở một số vùng thuộc Liên Xô cũ, người ta đã ghi nhận cam thảo bắc mọc gần như thuần loại hàng trăm héc ta, bao gồm cả hai loài G. glabra L. và G. uralensis Fisch. Nếu khai thác đến độ sâu 0,5 – 0,7m, có thể thu được 3 – 12,5 tấn rễ khô/ha đối với loài G. uralensis Fisch.. Riêng loài G. korshinski Grig. thu được ít hơn. Tổng trữ lượng các loài, cam thảo bắc ở Liên Xô cũ có tới trên 330 ngàn tấn/ năm.
Hàng năm, cam thảo bắc bắt đầu mọc chồi và sinh trưởng mạnh từ mùa xuân đến đầu mùa thu. Cây ra hoa quả nhiều, nhưng tỷ lệ mọc mầm của hạt trong tự nhiên không cao. Cam thảo bắc có khả năng tái sinh chồi rất mạnh. Phần trên mặt đất bị chặt hoặc đốt cháy nhiều lần, gốc còn lại vẫn tái sinh được. Thậm chí, khi khai thác còn sót lại những đoạn rễ nhỏ, sau vẫn có thể mọc lên những cây chồi mới. Cam thảo bắc là một loại cây bụi điển hình, từ một cây nhỏ ban đầu, sau vài năm đã trở thành một bụi cây lớn.
Bộ phận dùng
Rễ cam thảo bắc phơi khô hoặc sấy khô. Dược điển Việt Nam I, tập 2 công nhận 2 loài Glycyrrhiza uralensis và G. glabra. Dược điển Trung Quốc 1997 (bản Tiếng Anh) công nhận 3 loài G. uralensis, G. inflata và G. glabra.
Có 2 dạng dùng:
- Cam thảo sống.
- Cam thảo chích: sau khi sấy khô, đem tẩm mật (cứ 1kg cam thảo phiến, dùng 200g mật, thêm 200g nước sôi), rồi sao vàng thơm.
Rễ cam thảo bắc được sử dụng làm thuốc
Thành phần hóa học
Các saponin
Saponin là nhóm hợp chất quan trọng nhất trong Cam thảo, trong đó acid glycyrrhizic (còn gọi là acid glycyrrhizic) là chất quan trọng nhất.Glycyrrhizin là dạng muối Mg và Ca của acid glycyrrhizic. Glycyrrhizin là một saponin thuộc nhóm olean, hàm lượng từ 10-14% trong dược liệu khô, chỉ có trong bộ phận ở dưới mặt đất, có vị rất ngọt (gấp 60 lần đường saccharose).
Trong cam thảo còn có các dẫn chất triterpenoid khác như: acid liquiritic (acid này khác acid glycyrrhetic bởi nhóm carboxyl ở C-29), acid 18-hydroxy-glycyrrhetic, acid 24-hydroxyglycycrrhetic, glabrolid, desoxyglabrolid, isoglabrolid, 24-a-hydroxyisoglabrolid, acid liquiridiolic, acid 11-desoxoglycyrrhetic, acid 24-hydroxy 11-desoxoglycyrrhetic.
Các flavonoid
Đây là nhóm hoạt chất quan trọng thứ hai trong rễ Cam thảo với hàm lượng 3 – 4%. Liquiritin (liquiritirosid) và isoliquiritin (isoliquiritirosid) là hai chất quan trọng nhất. Ngoài ra còn có isoflavan (gla-bridin), isoflavon (glabron), isoflaven (glabren).
Các dẫn chất coumarin
Umbelliferon, herniarin, liqcoumarin (= 6-acetyl-5-hydroxy-4-methyl coumarin).
Ngoài ra, trong rễ Cam thảo còn có 20-25% tinh bột, 3-10% glucose và saccharose. Toàn bộ các chất chiết được bằng nước có thể đến 40%, Phần trên mặt đất của cây Cam thảo cũng đã xác định được các ílavonoid: pinocembrin (=5,7-dihydroxy flavanon), prunetin (=5,4′-dihydroxy-7-methoxyisoflavon), isomucro-nulatol (= 7,2′-dihydroxy-3′,4′-dimethoxy isoflavon).
Tác dụng dược lý
- Tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm vận động tự nhiên, hạ thể nhiệt, giảm hô hấp.
- Tác dụng giảm ho.
- Tác dụng giảm co thắt cơ trơn.
- Chữa loét đường tiêu hóa, ức chế tác dụng gây tăng tiết dịch vị của histamin.
- Bảo vệ gan trong viêm gan mãn tính và tăng bài tiết mật.
- Chống viêm gan và chống dị ứng.
- Tác dung oestrogen.
- Chữa bệnh addison vì trong cam thảo có acid glycythetic cấu tạo gần như cortisol nên có tác dụng trên sự chuyển hóa các chất điện giải, giữ natri và clorid trong cơ thể, giúp sự bài tiết kali.
- Tác dụng giải độc, bảo vệ chống choáng, kích thích co bóp tim giống adrenalin.
- Tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, chữa một số bệnh về da. Dùng thời gian dài có thể gây phù.
Tính vị quy kinh
Rễ cam thảo bắc có vị ngọt tính bình. Để sống (đồ mềm, sấy khô) có tác dụng giải độc, tả hỏa; tẩm mật sao vàng (chích cam thảo) lại có tác dụng ôn trung nhuận phế, điều hòa các vị thuốc.
Công dụng
Cam thảo sống được dùng chữa cảm, ho mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau dạ dày, ỉa chảy, ngộ độc. Cam thảo chích, có tác dụng bổ, chữa tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, thân thể mệt mỏi, kém ăn. Ngày dùng 4 – 20g, dưới dạng bột, thuốc hãm, nước sắc và cao mềm. Ngày nay, do kết quả nghiên cứu khoa học, cam thảo bắc còn có 2 công dụng:
- Chữa bệnh loét dạ dày và ruột, tác dụng giảm loét, giảm co thắt cơ, giảm tiết acid hydrocloric. Ngày uống 3 – 5g, uống liền 7 – 14 ngày, sau đó nghỉ vài ngày để tránh phù nề.
- Chữa bệnh Addison, mỗi ngày uống 10 – 30ml cao lỏng cam thảo bắc, uống liền 1 tháng hay hơn. Hiện tượng phù nhẹ do thuốc sẽ mất đi sau khi ngừng thuốc.
Cam thảo bắc dùng phối hợp với cortison có thể làm giảm tác dụng của cortison. Cam thảo bắc làm cho thuốc ngọt dễ uống và thường có trong thành phần các thuốc viên, thuốc phiến, kẹo ngậm, siro chữa ho. Gầy đây, có tác giả cho rằng glycyrrhizin không phải là hoạt chất nên chế cao cam thảo đã loại bỏ chất này.
Theo tài liệu nước ngoài, trong y học Trung Quốc, cam thảo bắc dùng phối hợp với một số dược liệu khác làm thuốc long đờm chữa ho gà, thuốc để bao và bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc chữa lao phổi và viêm phế quản, thuốc giải độc đối với ngộ độc thịt và nấm, thuốc có tác dụng làm trẻ người. Rễ cam thảo bắc còn có tác dụng nhuận tràng nhẹ, được dùng chữa các chứng bệnh xuất tiết và các chứng kích thích niêm mạc các cơ quan đường tiết niệu. Trong y học dân gian Ấn Độ, ngoài những dạng thông thường, cam thảo bắc còn được dùng nhai với lá trầu không, nhào với bơ sữa trâu hoặc mật ong để đắp ngoài chữa vết chém, vết thương.
BÀI THUỐC CỔ TRUYỀN
Bài 1. Chữa hư lao, ho lâu ngày
Cam thảo nướng 120g, tán bột, uống mỗi lần 4g, ngày uống 3 – 4 lần (Nam dược thần hiệu).
Bài 2. Chữa loét dạ dày
Cao cam thảo 2 phần, nước cất 1 phần, hòa tan. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê. Không uống liên tục quá 3 tuần lễ.
Bài 3. Chữa cảm sốt cao phát điên cuồng, trúng độc, mụn nhọt.
Cam thảo tán nhỏ, cho vào đầy một ống tre đã cạo hết lớp tinh tre bên ngoài. Bịt kín 2 đầu bằng nhựa thông. Đến mùa đông cắm cả ống tre đó vào hố phân người, đến ngày lập xuân, lấy ra rửa sạch, bỏ ống tre, lấy cam thảo, phơi khô tán nhỏ.
Mỗi lần uống 1 – 2g.
Bài 4. Chữa xuất huyết não, dị ứng do cao huyết áp
Cam thảo 15,5g, Lá sen 15,5g, Đỗ trọng 12,5g, Sinh địa 10g, Mạch môn 10g, Tầm gửi 10g, Bạch thược 10g, nước 800ml. Sắc còn 300ml.
Cách dùng: Nước sắc chia 3 lần uống trong ngày. Sau 3 ngày điều trị, huyết áp hạ rõ rệt; sau 5 – 6 ngày bệnh nhân nói khá hơn và cử động được chân tay.
Bài 5. Chữa cao huyết áp
Cam thảo 6,6g, Đỗ trọng 33g, Hoàng bá 10g, Sa nhân 6,6g. Khi có bệnh tim thận, thêm quế 6,6g, nước 800ml.
Đun sôi trong 15 – 20 phút, để nguội, lọc lấy nước. Chia 3 lần uống trong ngày.