[CỔ KIM Y ÁN] Y ÁN HÀN NHIỆT – ÂM KIỆT BIẾN THÀNH DƯƠNG

 

(Trích trong ‘Cuộc đời và kinh nghiệm của người thợ già trị bệnh’ của Lê Đức Thiếp, Việt Nam)

Sách y ngày xưa ghi: “Nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng, hàn ngộ hàn tắc tử” (nhiệt bệnh mà gặp thuốc nhiệt sẽ phát cuồng, hàn chứng mà gặp thuốc hàn sẽ chết), để lưu ý các thầy thuốc trong việc chẩn đoán và điều trị, phải hết sức cẩn thận để tránh lầm lẫn gây biến chứng tai hại. Thế nhưng cũng có nhiều trường hợp nhiệt ngộ nhiệt mà tắc tử, lại chết ngay khi thuốc vừa qua khỏi cổ (hạ hầu tức tử) như bệnh án dưới đây.

 

Cụ già 70 tuổi, vẫn ăn uống điều hòa, đi lại nhanh nhẹn, khỏe mạnh bình thường, không có bệnh gì gọi là cố tật. Một hôm, cụ kêu nóng nảy trong người, bứt rứt khó chịu rồi vài hôm sau nóng, không ói mửa, không khát nước, không nóng lạnh từng cơn như ngoại cảm thương hàn, không nhức đầu, đau mình, đại tiểu tiện vẫn bình thường. Cụ chỉ kêu mệt, nằm dài lăn lộn từng cơn, tự cầm quạt luôn tay phe phẩy, con cháu cũng hai quạt ngồi hầu. Cụ lang Sách cho uống chỉ một mình Dã sơn sâm (nhân sâm rừng) đã 6 ngày nay, không bớt. Khi tôi tới xem mạch (có thầy lang Sách ở đấy), thấy cả hai tay cùng Trầm, Vi, Tế, Tiểu, lúc đến thì nhanh, lúc về thì chậm. Tôi nói với cụ lang Sách đây là trường hợp ‘mạch bất hợp chứng’ (mạch hàn mà bệnh nhiệt), ‘mạch bất hợp lực’ (mạch yếu mà người mạnh). Cụ Sách nhận định là tôi nói đúng. Cụ hỏi ý kiến tôi về việc cho thuốc. Tôi chưa kịp nói, bà cụ già nói ngay: 

“Thưa thầy và cụ lang, ý kiến tôi muốn dùng thang thuốc do cụ cắt hôm qua và đã sắc rồi, bao nhiêu Sâm cứ để cho cụ ông tôi uống thử xem sao?”. 

Tôi đáp: “Dạ, việc đó là quyền nơi cụ và cụ lang, nhưng xin cụ lang có thể cho tôi biết thuốc hộ qua đã cắt những gì?”.

Cụ Sách bảo: “tôi cắt bài ‘Lý trung thang’ đấy thầy ạ”. (Nhân sâm 15g, Bạch truật 9g, Sinh khương 3g, Chích thảo 0,9g, Phụ tử 3g), thêm Ngũ vị tử 1,5g.

Cụ giải thích: “Sâm làm quân dược, còn mấy vị tá sứ kia mỗi thứ chút ít mà. Mạch nhỏ là nội hàn mà nóng ngoài là dương phù việt, tôi cho uống như thế là bổ dương để ôn hàn mà liễm dương lại, ý kiến thầy thế nào”.

Ngay lúc đó, người nhà đã bưng chén thuốc lên. Ông cụ già ngồi dậy, tay phe phẩy quạt, thấy chén thuốc, cụ vơ lấy uống luôn. Cụ vừa nuốt khỏi cổ, ngắc ngắc vài tiếng. Người nhà vội đỡ cụ, cụ chết ngay đang khi đỡ. Thế là hai thầy thuốc trâng hẩng nhìn nhau như muốn hỏi nhau mà chưa ai trả lời. Tôi suy nghĩ: “Tại sao bệnh này, uống bài ‘Lý trung thang’ vào khỏi cổ mà chết ngay? Vậy thì tại bệnh đến giờ chết hay tại thuốc?”. Tôi dám quả quyết rằng tại thuốc. Vì âm đến độ suy cực thì biến thành khô ráo (dương). Dương đó hợp với dương bên ngoài là dương thịnh cực, vì vậy phát nóng, phát phiền, bắt quạt. Vậy bệnh này là ‘dương thịnh cực mà âm khô kiệt’. Chính ra phải cho uống thuốc dưỡng âm thì còn may ra kéo dài ngày sống. Nếu lầm tưởng mạch Trầm, Vi, Tế, Tiểu này là dương suy rồi đem nhiệt dược để bổ dương thì nhiệt ngộ nhiệt, chết ngay. Đó là chết tại thuốc. Nên biết rằng mạch Trầm, Vi, Tế, Tiểu và tay chân mát thì mới uống ‘ Lý trung thang’. Bệnh này, mạch Trầm, Vi, Tế, Tiểu nhưng mình nóng ấm, bắt quạt, mà lại cho uống ‘Lý trung thang’ là nhiệt dược, tức nhiệt ngộ nhiệt mà chết ngay.

Leave Comments

0865032706
0865032706