Dâu tằm, hay còn gọi là tang phụ, là loài cây rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Ngoài việc biết đến trong việc nuôi tằm thì các bộ phận trên cây đều có tác dụng làm thuốc. Đặc biệt, quả dâu tằm (tang thầm) là vị thuốc bổ huyết, dưỡng huyết rất tốt trong Y học cổ truyền. Bài viết gồm nhiều phần khác nhau, trong phần này hãy cùng Thảo dược Manna (Mannaherbal) tìm hiểu về lá dâu tằm (Tang diệp) nhé. |
Thông tin chung
Tên gọi: Dâu tằm
- Tên khoa học: Morus alba L. họ. Dâu tằm (Moraceae).
- Tên khác: Tang phụ, Mulberry tree.
Bộ phận dùng:
- Lá dâu (Folium Mori) gọi là Tang diệp, đã được ghi vào Dược điển Việt Nam (1983), Dược điển Trung quốc (1963).
- Vỏ rễ cây dâu (Cortex Mori radicis) gọi là Tang bạch bì.
- Cành dâu (Ramulus Mori) gọi là Tang chi.
- Quả dâu (Fructus Mori) gọi là Tang thầm.
Ngoài ra còn có 3 vị liên quan đến cây dâu tằm đó là:
- Tầm gửi cây dâu (Ramulus Loranthi) gọi là Tang ký sinh về thực vật, có tên khoa học là Loranthus parasiticus (Lin.) Merr, họ Tầm gửi (Loranthaceae).
- Sâu dâu tằm trong thân cây dâu, vốn là ấu trùng của một loại xén tóc gọi là Tang đồ.
- Tổ bọ ngựa trên cây dâu (Ootheca Mantidis) gọi là Tang phiêu diêu.
Mô tả cây: Cây dâu tằm là một cây nhỡ có thể cao trên 10m, nhưng thường trồng để hái lá, nên chỉ cao độ 2 – 3m. Lá mọc so le, hình bầu dục, có khi biến dạng chia thành 3 thùy, đầu lá nhọn, mép có răng cưa to. Hoa đơn tính, khác gốc, nở vào mùa đông (tháng 12-2), hoa đực mọc thành bông, có 4 lá đài, 4 nhị đực (có khi 3), hoa cái cũng mọc thành bông hay thành khối hình cầu, có 4 lá đài. Quả bế bao bọc trong các lá đài, mọng nước thành một quả phức (qua tụ) khi chín màu đỏ, sau đen sẫm (tháng 3 – 4) ăn rất ngon.
Phân bố: Được trồng ở khắp nơi trên cả nước.
Quản lý CITES: Không.
Thu hái dâu tằm trong vườn
I – LÁ DÂU TẰM (TANG DIỆP)
Tên khác: Tang diệp
Thu hái chế biến: Lấy những lá bánh tẻ, không bị sâu, phơi nắng thật nhanh rồi phơi trong râm cho khô mà vẫn giữ được màu xanh lục. Lá dâu không mùi, vị nhạt, hơi đắng chát. Loại lá dâu lá to, nguyên, không rách, không vụn nát, màu lục xám, dày khô, không bị sâu, không lẫn tạp chất là lá tốt. Thủy phân dưới 14%.
Thành phần hóa học: Trong lá dâu có các chất cao su, caroten, tanin, vitamin C, cholin, adenin, trigonellin, rất ít tinh dầu. Ngoài ra còn có pentosan, đường, muối calci.
Công dụng: Theo Đông y, lá dâu vị đắng ngọt, tính hàn, quy vào 2 kinh Can, Phế.
Có tác dụng tán phong, thanh nhiệt (trừ cảm mạo, sốt nóng) làm mát máu, sáng mắt, nhuận phổi, làm ra mồ hôi. Dùng chữa các bệnh cảm sốt, nhức đầu, đau mắt đỏ, ho sốt hâm hấp.
Liều dùng: 5 – 10g, sắc uống. Có thể sao tẩm với mật ong (cứ 5kg lá dâu khô dùng 1kg mật ong). Lá dâu đem nhúng vào mật ong pha loãng với ít nước, sao cho đến khi không dính tay nữa là được.
Lưu ý: Người bị sốt nóng mà có nhiều mồ hôi hoặc lên sởi đã mọc không được dùng.
Lá dâu tằm (tang diệp) là một vị thuốc hay dùng trong Y học cổ truyền
Bài thuốc dân gian
Bài 1: Chữa cảm mạo, sốt nóng mới phát, nhức đầu tắc mũi, hơi khát, húng hắng ho:
- Thành phần: Tang diệp (10g), Cam thảo (3g), Cúc hoa (5g), Hạnh nhân (5g), Liên kiều (5g), Cát cánh (5g), Bạc hà (3g).
- Cách dùng: Sắc uống.
Bài 2: Chữa mắt đỏ, sưng đau, viêm màng tiếp hợp:
- Thành phần: Tang diệp (10g), Cúc hoa (10g), Hạt thảo quyết minh (6g).
- Cách dùng: Sắc uống.
Bài 3: Giảm huyết áp:
- Thành phần: Tang diệp (15g), Cành dâu (Tang chi) (15g), Hạt cây ích mẫu (sung úy tứ) (15g).
- Cách dùng: Sắc uống.