Tiếp theo của Phần 1, giới thiệu về cây dâu tằm và các tác dụng của lá dâu tằm, trong Phần 2 này, Thảo dược Manna (Mannaherbal) xin được chia sẻ cùng quý bạn đọc thông tin về vỏ rễ (Tang bạch bì) và cành (Tang chi) của cây dâu tằm nhé. |
I – VỎ RỄ CÂY DÂU TẰM
Tên khác: Tang bạch bì
Thu hái chế biến: Vỏ rễ dâu: khoảng tháng 3 – 9, đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, loại bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, bổ dọc đôi rễ, bóc lấy vỏ, bỏ lõi gỗ, phơi thật khô trắng.
Mùa thu hoạch khác nhau tùy theo địa phương, có nơi thu hoạch chạy lụt, dâu bãi bị đổ. Tang bạch bì ít mùi, vị ngọt hơi đắng. Loại tang bạch bì trắng, dày, khô, dẻo, dai, nhiều bột, sạch vỏ ngoài, không mốc là tốt. Thủy phân dưới 12%.
Thành phần hóa học: Vỏ rễ cây dâu có các chất fructose, glucose, pentosan, galactan, acid hữu cơ, tanin, pectin, 𝛃-amyrin.
Công dụng: Tang bạch bì theo Đông y vị ngọt, tính hàn, quy vào kinh Phế.
Có tác dụng nhuận phổi, làm nhẹ phổi, giúp tiêu thoát nước, chữa ho hen, thổ huyết, thủy thũng, đầy bụng.
Liều dùng: 5 – 10g. Tán bột hay sắc uống. Dùng sống hay có thể sao tẩm với mật ong (cứ 5kg vỏ rễ dâu khô dùng 1,5 kg mật ong).
Lưu ý: Người bị cảm lạnh, ho do yếu phổi (phế hư) không được dùng.
Bài thuốc dân gian
Bài 1: Chữa khái huyết
- Thành phần: Tang bạch bì tươi (10g).
- Cách dùng: Nghiền vụ, sắc uống.
Bài 2: Chữa chứng phổi nóng, ho hen, nóng hâm hấp trong xương, khát, tự ra mồ hôi.
- Thành phần: Tang bạch bì (10g), Địa cốt bì (10g), Sinh cam thảo (5g), Gạo tẻ (10g).
- Cách dùng: Sắc uống.
Bài 3: Chữa viêm phổi, ho, hen suyễn:
- Thành phần: Tang bạch bì (15g), Hạt tía tô (9g), Cam thảo sống (6g).
- Cách dùng: Sắc uống.
Bài 4: Chữa viêm phổi, ho, hen suyễn:
- Thành phần: Tang bạch bì (9g), Lá nhót tây (tỳ bà diệp) (9g).
- Cách dùng: Sắc uống.
Bài 5: Chữa viêm thận, phù thũng, đái ít:
- Thành phần: Tang bạch bì (15g), Đậu đỏ bé (Xích tiêu đậu) (30g).
- Cách dùng: Sắc uống.
Bài 6: Chữa phù thũng, bụng trướng, bí tiểu tiện (Thang ngũ bì = 5 loại vỏ):
- Thành phần: Tang bạch bì (9g), Đại phúc bì (9g), Sinh khương bì (6g), Trần bì (6g), Phục linh bì (15g).
- Cách dùng: Sắc uống.
Tang bạch bì
II – CÀNH CÂY DÂU TẰM
Tên khác: Tang chi.
Thu hái chế biến: Khoảng tháng 9 – 12 (thu đông) chặt lấy những cành non, phơi qua, nhân lúc còn tái, thái vát thành phiến hoặc thành những đoạn ngắn tùy theo yêu cầu quy cách, rồi lại phơi khô.
Tang chi mùi nhẹ mát, vị nhạt. Loại tang chi cành non, khô mịn, dai, chắc, không mốc, mặt cắt ngang màu trắng ngà là tốt. Thủy phân dưới 12%.
Thành phần hóa học: Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Công dụng: Tang chi theo Đông y vị đắng tính bình, quy vào kinh Can.
Có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc. Dùng chữa phong thấp tê đau, chân tay co quắp, cước khí, phù thũng, đau khớp.
Liều dùng: 10 – 15g, sắc uống. Có thể dùng sống, tẩm rượu hay tẩm mật sao.
Lưu ý: Người bị tê bại chứng nhiệt thì dùng Tang chi, chứng hàn thì dùng Quế chi.
Vị thuốc Tang chi
(Trích: Cây thuốc bài thuốc và biệt dược)