“Cây Diếp cá không chỉ được dùng làm rau ăn hàng ngày mà còn là vị thuốc dân gian quen thuộc của người dân Việt từ ngàn đời nay” |
Thông tin chung
Tên gọi: Diếp cá
- Tên khoa học: Houtluynia cordata Thunb, họ Lá Giấp (Saururaceae)
- Tên khác: Cây lá giấp – Rau giấp cá – Rau diếp tanh – Ngư tinh thảo – Rau trầu (H’Mông) – Chờ mờ mía (Dao) – Co vầy mèo (Thái) – Heartleaf Houltuynia Herb (English).
Bộ phận dùng: Cả cây (trừ rễ) tươi hay đã chế biến khô (Herba Houltuynia cordatae). Đã được ghi vào DĐVN (1983), DĐTQ (1997).
Mô tả cây: Cây Diếp cá thuộc thảo, nhỏ, thân mọc đứng cao 20 – 40cm, sống lâu năm, ưa chỗ ẩm, có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá hơi nhọn, phiến lá gần giống lá trầu không, dài 4 – 8cm, rộng 2,5 – 6cm, khi vò có mùi tanh, nhai chua chua.
Hoa nhỏ màu vàng nhạt, mọc thành bông, bao bởi 4 lá bắc màu trắng, hoa nở mùa hạ (tháng 5-8), quả nang mở ở đỉnh, hạt hình trái xoan, nhẵn. Mùa quả: Tháng 7-10. Rau diếp cá được trồng khắp nơi làm rau ăn, ở vùng núi cao mát như Sapa (Lào Cai), diếp cá mọc hoang dài hàng ki lô mét ven suối.
Quản lý CITES: Không nằm trong danh mục.
Cây diếp cá
Thu hái, chế biến: Hái lúc đang tươi tốt (chưa ra hoa), dùng tươi hay phơi sấy khô. Thủy phân dưới 13p100. Tỷ lệ vụn nát dưới 5p100.
Thành phần hóa học, công dụng
Thành phần hóa học:
Trong cây diếp cá có tinh dầu, một alcaloid gọi là cordalin, trong tinh dầu có methylnanylceton (gây mùi tanh), chất myrcen, acid caprinic, và laurylaldehyd. Lá chứa quercitrin mà không chứa isoquercitrin. Hoa và quả lại chứa isoquercitrin mà không chứa quercitrin. Dược điển Việt Nam quy định tỉ lệ tinh dầu trong diếp cá (khô) ít nhất phải đạt 0,08p100.
Công dụng: Theo Đông y, diếp cá vị cay, tính lạnh hơi có độc, vào kinh Phế.
Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi niệu. Ngoài ra, diếp cá có tác dụng kháng sinh rất rõ rệt, nhất là đối với trực khuẩn mủ xanh mà các kháng sinh thông thường (Gentamycin…) không có hiệu lực.
Dùng chữa các chứng bệnh viêm mủ màng phổi (phế ung), đờm nhiệt nhiều, ho khạc ra đờm vàng, hôi có khi lẫn máu mủ, lao phổi, ho gà, ho ra máu, chữa tả lỵ do thấp nhiệt, trĩ, đi đại tiện ra máu, lòi dom, táo bón, loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh, loét dạ dày, nhiễm khuẩn đường ruột, viêm thận, uống sau phẫu thuật phòng và chữa bội nhiễm các loại khuẩn yếm khí.
Liều dùng: 15-30g (khô. Không đun lâu, nên hãm thì hơn. Dùng tươi có thể lên đến 80-100g.
Dùng ngoài da: tùy ý. Đắp chỗ viêm tấy, apxe, nhọt, hoặc tắm chữa rôm, sảy, đắp chỗ bị trĩ.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng mát.
Lưu ý: Rễ diếp cá cũng dùng làm thuốc. Rễ diếp cá tươi 60g – giã dập, tẩm bằng nước vo gạo sạch trong 60 phút, gạn bỏ bã, uống ngày 2 lần, uống liền 2 ngày. Chữa bí tiểu do nhiệt và viêm tuyến tiền liệt cấp tính.
Tránh nhầm lẫn diếp cá suối (Gymnotheca chinensis Decne – Cùng họ lá giấp) có mọc hoang ven suối vùng núi Lạng Sơn, Ninh Bình (Cúc Phương), nhân dân dùng chữa sốt nóng, mụn nhọt, lở loét.
Công dụng theo y học hiện đại
Tính kháng khuẩn, nấm và virus:
Tinh dầu trong Diếp cá có khả năng ức chế nhiều loại loại vi khuẩn, virus và vi nấm gây bệnh: HIV chủng 1 ở người (HIV-1), herpes (HSV-1), trực khuẩn lỵ, virus gây bệnh cúm, liên cầu khuẩn tan huyết, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, nấm…
Theo nghiên cứu vào năm 2003 tại Trung Quốc, chiết xuất từ Diếp cá có thể ức chế virus SARS gây ra Hội chứng hô hấp cấp nặng.
Diếp cá cũng được thử nghiệm trong điều trị loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh và cho kết quả khả quan. Các flavonoid trong Diếp cá ức chế men polyphenoloxydase và catalase – thường có hoạt tính tăng cao khi cơ thể bị viêm cấp hoặc mạn tính.
Tác dụng ức chế histamin và acetylcholin:
Hoạt chất trong Diếp cá có tác dụng đối kháng histamin và acetylcholin, dẫn đến giảm co thắt cơ trơn của ruột.
Trong một thí nghiệm, động vật được tiêm liều độc gây chết nọc rắn hổ mang (gây vỡ dưỡng bào và giải phóng histamin và một số chất trung gian hoá học khác), sau đó dùng dịch chiết Diếp cá. Kết quả cho thấy, Diếp cá giúp kéo dài thời gian cầm cự hoặc tăng tỷ lệ sống còn của động vật thử thuốc so với đối chứng, chứng minh hoạt tính chống độc và chống dị ứng của cây.
Trong tác dụng lợi tiểu:
Diếp cá chứa hoạt chất quercitrin có tác dụng lợi tiểu mạnh, giúp thanh lọc cơ thể cơ thể, đào thải độc tố tích tụ ra ngoài.
Trong tác dụng an thần:
Một số chất trong Diếp cá có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, ức chế vận động tự phát, ức chế co giật gây do strychnin và kéo dài thời gian gây ngủ của barbiturat trong các nghiên cứu trên động vật.
Bài thuốc dân gian
Trị đơn sưng của người lớn và trẻ em (Nam dược thần hiệu)
Lấy 15g mỗi vị thuốc sau: Diếp cá, Cải rừng, Dưa chuột, Đơn đỏ, Huyết dụ, Khế, Mía dò, Nhài, Nhọ nồi, Xương sông; có thể thêm 3 miếng Bí đao, 3 lá Xích hoa xà 3 lá và 3 miếng củ Nâu. Tất cả giã nát, thêm nước vào, vắt lấy nước uống và đắp bã lên chỗ sưng.
Trị trĩ
- Chữa trĩ gây đau nhức: Nấu nước lá Diếp cá để ngâm rửa (dùng lúc còn nóng), và đắp bã lá vào chỗ đau.
- Chữa trĩ lòi dom: Hoà tan muối natri hoặc muối ăn trong nước và rửa chỗ trĩ. Sau đó, giã nát lá Diếp cá giã nát, đắp vào chỗ trĩ và băng lại.
- Chữa trĩ ra máu: Sấy khô 2kg cây Diếp cá và 1kg Bạch cập, tán bột. Uống 6 – 12g/ngày ngày, chia thành 2 – 3 lần.
Chữa viêm tai giữa
Sắc các vị Diếp cá phơi khô 20g và 10 quả Táo đỏ với 600ml nước còn 200ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.
Chữa viêm tắc tia sữa
Giã nát 30g mỗi vị: Lá Diếp cá và lá cải trời tươi, thêm nước sôi rồi vắt lấy nước uống. Chưng bã thuốc với giấm và đắp lên ngực.
Chữa sài giật ở trẻ em
Giã nát 6 – 12g lá Diếp cá, 2g quả Xuyên tiêu, 6g củ Sả, thêm nước. Gạn uống và đắp bã lên hai bên thái dương.
Chữa trẻ lên sởi
Sao rau Diếp cá, sắc với nước và cho trẻ uống.
Chữa viêm ruột, kiết lỵ
Sắc 20g Diếp cá 20g, 8g Hoàng bá và 16g Xuyên tâm liên với nước và chia thành 2 lần uống trong ngày.
Chữa kiết lỵ
Tán mịn 50g Diếp cá, 150g hồi đầu thảo và vỏ quả dừa (đã đốt tồn tính); đóng 25g bột dược liệu vào mỗi gói. Người lớn uống mỗi ngày 1 gói và chia thành 2 – 3 lần, trẻ em dùng nửa liều người lớn.
Chữa viêm phổi
Bài thuốc Ma hạnh thạch cam thang gia vị: Sắc uống mỗi ngày một thang chứa các vị thuốc sau: Diếp cá 20g, Cam thảo 6g, Hạnh nhân 12g, Hoàng liên 12g, Hoàng cầm 12g, Kim ngân 20g, Lô can 20g, Liên kiểu 16g, Ma hoàng 8g, Thạch cao 40g.
Thêm đình Lịch tử 12g, Tang bạch bì 12g nếu bị khó thở, đờm nhiều.
Thêm Bạch mao căn 12g nếu bị ho ra máu.
Chữa áp xe phổi
Bài thuốc Thiên kim vĩ hành thang: Sắc uống mỗi ngày một thang chứa các vị thuốc sau: Diếp cá 40g, Bồ công anh 40g, Cát cánh 6g, Đào nhân 12g, Đông qua nhân 16g, Kim ngân 20g, Liên kiều 16g, Vĩ hành (bông lau) 12g, Ý dĩ 16g.
Thêm đình Lịch tử 12g, Tang bạch bì 12g nếu bị khó thở, đờm nhiều.
Thêm Chí tử sao 12g và Đan bì 12g nếu bị ho ra máu nhiều.
Chữa trĩ thể thấp nhiệt hoặc trĩ ngoại bội nhiễm
Diếp cá 16g, Kim ngân 16g, Hoàng đẳng 12g, hoa Hoè 12g, Chi tử sao đen 12g, Kinh giới 12g, Chỉ xác 8g. Sắc uống, ngày một thang.
Chữa sởi chưa mọc (khi chưa phát sốt)
Sắc 16g lá Diếp cá 16g, 12g Cam thảo đất, 16g rau Dệu; uống 3 lần/ngày.
Chữa viêm xoang nhiễm khuẩn
Sắc Diếp cá 16g, Chi tử 8g, Hy thiên 16g, Ké đầu ngựa 16g, Kim ngân hoa 16 g, Mạch môn 12g; uống 1 thang/ngày.
Tân di thanh phế âm gia giảm:
Sắc Diếp cá 20g, Hoàng cầm 12g, Kim ngân hoa 16g, Mạch môn 12g, Sơn chỉ 12g, Thạch cao 40g, Tân di 12g, Tri mẫu 12g; uống 1 thang/ngày. Nếu bệnh nhân bị sốt, nhức đầu, sợ lạnh bỏ bớt 2 vị thuốc Hoàng cầm, Mạch môn và thêm 12g Bạc hà, 12g Ngưu hoàng tử.
Công dụng đa dạng của diếp cá