GẤC – CÂY THUỐC GÓC SÂN NHÀ

 

Cây gấc thân thuộc với người dân Việt Nam từ ngàn xưa, Gấc đi vào thơ ca, văn chương, đi vào những câu chuyện cổ tích như những điều bình dị thường nhật. Ai ai cũng nhớ món xôi gấc đỏ thơm, ngọt dịu mà các bà, các mẹ vẫn thường làm. Gấc có nhiều công dụng, cung cấp nhiều Vitamin và dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt, hàm lượng 𝞫 – caroten trong quả gấc có nhiều hơn bất kỳ loại thực phẩm nào. Nhưng, để hiểu được chi tiết về cây cũng như tác dụng của Gấc thì không phải ai cũng biết. Thảo dược Manna (Mannaherbal) xin chia sẻ cùng quý vị những thông tin hữu ích về loài cây này.

 

THÔNG TIN CHUNG

Tên gọi: Gấc

  • Tên khoa học: Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng. Họ Bí (Cucurbitaceae).
  • Tên khác: Mộc miết tử, mác khẩu (Tày), má khẩu (Thái), dìa tả piếu (Dao), Muncie (Pháp).

Mô tả:

Dây leo to, sống lâu năm, có rễ mập. Thân cứng nhẵn, có cạnh và khía. Lá mọc so le, có 3 – 5 thùy màu lục sẫm, gốc hình tim, lúc đầu có lông ở mặt trên, sau nhẵn; gân 5 hình chân vịt, mép lá nguyên hoặc có răng thưa không đều; cuống lá dài 2 – 3cm, có tuyến ở phần giáp với gốc lá; tua cuốn to, đơn.

Hoa đực và hoa cái riêng trên cùng một cây; hoa đực mọc ở kẽ lá, lá bắc hình thận to và rộng; đài có ống ngắn, các thùy hình tam giác nhọn, màu lam sẫm; tràng 5 cánh, màu trắng hoắc ngà vàng, hình trứng thuôn, có lông dày ở mặt trong; nhị 5; hóa cái có lá bắc nhỏ, bầu xù xì.

Quả hình bầu dục hoặc hình trứng, có cuống mập, đầu tù hoặc hơi nhọn, khi chín có màu đỏ; hạt dẹt, màu đen hoặc xám đen, vỏ ngoài rất cứng có răng tù ở mép, dày 5 – 6mm.

Mùa hoa quả: tháng 7 – 12.

Theo kinh nghiệm của nhân dân ở một vùng thuộc Hải Hưng (cũ), gấc có loại tẻ và loại nếp được phân biệt như sau:

  • Gấc tẻ: tên khác là gấc giun (Hưng Yên), ruột màu đỏ, ăn không ngấy (màu này nhạt đi khi đồ chín), quả tơ, rất sai, gai quả mau, nhiều hạt.
  • Gấc nếp: (gấc gạch), ruột màu vàng, ăn rất ngấy, quả nhỏ, cây ít quả, gai quả thưa, ít hạt.

Phân bố, sinh thái:

Chi Momordica L. có khoảng 45 loài trên thế giới, đa số là cây trồng, tập trung chủ yếu ở vùng nhiệt đới Châu Phi và Châu Mỹ, Châu Á có 5 – 7 loài, trong đó Việt Nam có 4 loài (M. Karaudren Aymonin, 1975 và Nguyễn Hữu Hiến, 1994). Gấc được trồng chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Philippin, Lào và Việt Nam.

Ở Việt Nam, gấc được trồng từ lâu đời trong nhân dân. Cây trồng có giống quả chín màu đỏ và giống quả màu vàng. Giống quả màu vàng hiện thấy trồng ở một số vùng thuộc tỉnh Lai Châu và Sơn La. Giống quả đỏ có 2 loại: quả to và quả nhỏ, đều được trồng ở nhiều vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Gấc thuộc loại cây ưa sáng và ưa ẩm, sinh trưởng, phát triển nhanh trong điều kiện được chăm sóc tốt và có đủ giá thể leo. Hàng năm, sau khi quả được thu hoạch, cây có hiện tượng rụng lá. Để tạo điều kiện cho cây ra nhiều chồi khỏe, người ta thường chặt bỏ toàn bộ phần thân leo, chỉ chừa lại phần gốc, với mục đích tạo ra thế hệ cây chồi mới, có sức sống mạnh mẽ hơn.

Cách trồng:

Gấc được trồng phân tán khắp nơi như góc sân, cạnh bờ ao, đầu ngõ, … Mỗi gia đình thường trồng 1 – 2 giàn để lấy quả.

Nhân giống gấc bằng hạt hoặc cành giâm. Trong thực tế người ta ít trồng bằng hạt vì cây lâu cho quả, năng suất thấp và phẩm chất kém.

Muốn trồng gấc có hiệu quả, vào cuối năm, sau khi thu hoạch quả, người ta đốn cây và chọn cành bánh tẻ của cây 2 – 3 tuổi, cắt thành những đoạn dài 40 – 50cm, khoanh tròn lại rồi trồng vào hốc đã chuẩn bị sẵn. Hốc được đào sâu 50 – 60cm, rồng mỗi bề 50cm. Dùng phân chuồng, mùn rác mục trộn lẫn với đất tốt (đất bùn ao phơi khô) lấp đầy gần miệng hố. Đặt hom giống, lấp đất dày 3 – 5cm, dùng rơm rác phủ và tưới ẩm. Chú ý không tưới quá nhiều, hom giống dễ bị thối. Khi cây mọc, cần phát hiện sâu cắn mầm. Khi mầm cao 40 – 50cm, tiến hành làm giàn hoặc lợi dụng những cây cao xung quanh cho cây leo. Giản phải rộng, đủ ánh sáng, quả mới nhiều, ít bị thối, rụng. Khi cây lên giàn cũng là thời kỳ trời mưa nhiều, cần vun cao gốc để tránh nước đọng. Tốt nhất là bổ sung thêm phân chuồng, tro bếp rồi dùng đất phủ cao. Ở thời kỳ cây sinh trưởng, chú ý tỉa bớt chồi bên, lá ở chỗ quá dày, điều chỉnh cho cây leo đều ra các phía.

Năm đầu, cây đã có quả nhưng ít, càng về sau quả càng nhiều. Quả chín đến đâu thu đến đó. Sau khi thu hết quả, cần đốn bỏ thân lá, chỉ để lại đoạn gốc dài chừng 50 – 60cm. Sang xuân, cây lại tái sinh. Hàng năm, gốc cần được bón thúc ít nhất 2 lần, mỗi lần 10 – 15kg phân chuồng vào tháng 3 – 4 và trước lúc cây ra hoa. Ngoài ra, có thể tưới thêm nước phân chuồng, nước giải pha loãng giữa 2 lần bón thúc và trong quá trình quả lớn. 

Gấc ít có sâu bệnh. Cây trồng trên đất tốt, được chăm sóc chu đáo, có thể sống và cho quả trong 10 – 15 năm.

Giàn gấc góc sân nhà

Bộ phận dùng:

Hạt đã bóc bỏ áo hạt, phơi hay sấy khô. Hạt màu nâu đen, dẹt, mép có răng cưa tù và rộng, đường kính 2 – 3,3cm, dày 0,5 – 1cm. Vỏ cứng rắn, bên mép răng cưa có một vết nhỏ màu đỏ. Vỏ hạt đập vỡ sẽ thấy bên trong nhân hạt màu trắng ngà.

Dầu gấc được ép từ màng hạt đã phơi hoặc sấy khô (Dược điển Việt Nam 1, tập 1).

Rễ thu hái vào mùa đông, rửa sạch và phơi khô.

Quản lý CITES: Không

Thành phần hóa học:

Nhân hạt gấc chứa protein 2,61%, lipid 55,3%, đường 2,9%, tanin 1,8%, cellulose 2,8%, và một số enzyme (phosphatase, invertase, peroxydase). Dầu hạt gấc có hàm lượng 47% so với nhân và 29% so với hạt. Đó là chất lỏng, màu lục nhạt, để lâu và tiếp xúc với không khí sẽ chuyển vàng nhạt. Dầu hạt có mùi khó chịu và có điểm chảy 28º – 32º, chỉ số xà phòng 177,60, chỉ số acid 1,05 và chỉ số iod 129,4. Các acid béo gồm acid stearic, acid palmitic, acid oleic, acid linoleic, acid ricinoleic. Hạt chứa momordica saponin I (bao gồm gypsogenin), momordica saponin II (bao gồm acid quillaic). Ngoài ra, còn có acid momordic, acid 𝞪-elcosteanic, mycose và momorcochin.

Màng gấc cho 8% dầu là chất lỏng sánh, trong, màu đỏ máu, mùi thơm ngon đặc biệt, vị béo, không khé cổ. Nếu để lâu hoặc để ở nhiệt độ 0ºC – 5ºC sẽ có cặn thuộc nhóm tinh thể caroten. Năm 1942, từ 2017 kg quả gấc, P. Bonnel và cộng sự đã chế được 38 lít dầu màng gấc và 0,3 kg caroten. 1ml dầu màng gấc chứa 38mg caroten. Dầu màng gấc hòa tan trong ether dầu hỏa, cloroform, ether. Theo Dược điển Việt Nam I, tập 1, dầu màng gấc có chứa 0,1% 𝞫 – caroten. Ngoài ra, còn có acid oleic 44,4%, acid linoleic 14,7%, acid stearic 7,89%, acid palmitic 33,8%.

Dầu màng gấc là nguồn nguyên liệu quý cho nhiều 𝞫 – caroten hơn so với dầu cá (1ml dầu cá chứa 1000 đơn vị vitamin A) và nhiều lycopen hơn 𝞫 – caroten. Dầu màng gấc cần được bảo quản trong đồ bao gói kín, tránh ánh sáng, để nơi mát.

Đáng lưu ý là cơm quả gấc chứa nhiều 𝞫 – caroten hơn dầu màng gấc. Ngoài ra còn có vitamin E cũng có trong lá gấc. Gấc còn chứa một số hợp chất diterpen (columbin castol).

Thân củ chứa chondrillasterol (Hasan Choudbury M. và cs, 1987), momorcochin (Yeung H.W và cs, 1987), cucurbitadienol, một glucoprotein (trong đó có nhiều gốc của acid aspartic, acid glutamic) và 2 glycosid (trong đó 1 glycosid có glycose, 1 glycosid có glucose và arabinsoe). Cả 2 glycosid này đều có acid oleanic và aglycon và đều cso hoạt tính hạ đường huyết ở các chuột cống bị tiểu đường do streptozotocin gây ra.

Tác dụng dược lý:

Dầu gấc có hàm lượng 𝞫 – caroten rất cao. 𝞫 – caroten tiền vitamin A, dưới tác dụng của men carotenaza có trong gan và thành ruột, một phân tử 𝞫 – caroten được chuyển thành 2 phân tử vitamin A, nhưng trên thực tế, hiệu suất lý thuyết đó không bao giờ đạt được trong cơ thể sinh vật. Do đó, liều dùng của 𝞫 – caroten thường gấp đôi liều dùng vitamin A. Vitamin A rất cần cho cơ thể, có ảnh hưởng tới sự chuyển hóa lipid, nguyên tố vi lượng và phosphor; nó duy trì sự hoàn chỉnh của tổ chức biểu mô như da và niêm mạc, với sự có mặt của vitamin A, các tế bào biểu mô được kích thích để sản sinh ra chất nhầy và nếu thiếu vitamin A, các tế bào biểu mô này sẽ teo đi thay vào đó là các tế bào sừng hóa, điển hình là bệnh khô mắt (xerophthalmia), tế bào giác mạc bị sừng hóa làm mất độ trong suốt của giác mạc dẫn tới mù lòa.

Trong phạm vi thị giác, vai trò của vitamin A đã được xác định rõ, nó tham gia vào sự hình thành chất rhodopsin, một chất nhạy cảm với ánh sáng, tồn tại trong các que võng mạc giữ vai trò quan trọng trong thị giác lúc hoàng hôn; nếu chế độ ăn uống thiếu vitamin A, thì nồng độ chất rhodopsin ở võng mạc sẽ giảm xuống, các que võng mạc có biến đổi về hình dạng dẫn tới những rối loạn về thị giác nhất là lúc hoàng hôn như trong bệnh quáng gà (hemeralopia). Vitamin A còn là một yếu tố cần cho sự sinh trưởng. Những phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh có nhu cầu vitamin A lớn hơn người thường. Vitamin A có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể, chống nhiễm khuẩn ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em và trong bệnh lao phổi. Vitamin A và dầu gấc có tác dụng làm lành các vết thương, vết bỏng và các ổ loét.

Năm 1990, Hà Văn Mạo, Đinh Ngọc Lâm và cộng sự đã có nhận xét về Gacavit (chế phẩm dầu gấc) được thực nghiệm trên súc vật thí nghiệm và trên người bệnh, có khả năng sửa chữa những rối loạn của nhiễm sắc thể, các khuyết tật của phôi thai do dioxin gây nên trên động vật thí nghiệm và khả năng phòng ngừa ung thư cho những người bệnh xơ gan. Như vậy, chắc chắn các chế phẩm dầu gấc rất có ích cho những người tiếp xúc nhiều với các tia xạ độc hại, các hóa chất độc và những người viêm gan virut B.

Dịch ngâm cồn – nước của hạt  gấc thí nghiệm trên chó, mèo và thỏ gây mê đều có tác dụng hạ huyết áp, nhưng do độc tính quá lớn nên dù tiêm tĩnh mạch hay bắp thịt thì sau khi tiêm vài ngày súc vật đều chết.

Saponin từ hạt gấc tiêm tĩnh mạch cho chuột cống trắng làm hạ huyết áp trong một thời gian ngắn, kích thích hô hấp và tăng nhanh nhịp tim. Nếu tiêm vào động mạch đùi của chó thì lưu lượng máu ở chi dưới tăng nhanh trong một thời gian ngắn, hiệu lực bằng khoảng ⅛ hiệu lực của papaverin. Đối với tim ếch cô lập và tá tràng cô lập thỏ, saponin có tác dụng ức chế nhưng với nồng độ cao lại gây co thắt, không thể hồi phục được. Cho chuột cống trắng uống hoặc tiêm dưới da saponin có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột do carragenin gây nên. 

Hai glucosid chiết tách từ rễ gấc đã được chứng minh với liều 25mg/kg có tác dụng hạ đường huyết trên những chuột cống trắng bị bệnh đái đường thực nghiệm do Streptozotocin gây nên. Chất momorcochin, một glycoprotein từ thân củ gấc tươi có tác dụng gây sảy thai.

Tính vị quy kinh:

  • Dầu gấc có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ Tỳ Vị, làm sáng mắt.
  • Hạt gấc chỉ mới thấy dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân, chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học. Theo sách cổ, hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi có độc, quy vào 2 kinh Can và Đại tràng. Hạt gấc dùng trong có tác dụng tiêu tích, lợi trường, tiêu thũng, sinh cơ, dùng ngoài có tác dụng tiêu sưng.
  • Rễ gấc vị đắng, tính mát, có tác dụng trừ thấp nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu.

Công dụng:

Dầu gấc được dùng trong những trường hợp cơ thể cần Vitamin A như trẻ con chậm lớn, đàn bà chửa, cho con bú, bệnh khô mắt, quáng gà, người kém ăn mệt mỏi. Dùng ngoài, bôi vào vết thương, vết bỏng làm mau lên da non, chống lành. Dầu gấc dùng kèm với một số kháng khuẩn đặc hiệu chữa được bệnh trứng cá kén có nhân. Ở Anh, một số chuyên gia đã dùng vitamin A liều cao để chữa ung thư, tuy có đạt kết quả nhưng ở liều cao dễ có biến chứng, nên trong vòng 10 năm nay, người ta đã chuyển sang dùng 𝞫 – caroten. Dầu gấc nhuận tràng, dùng thích hợp cho người táo bón. Người đi lỏng không nên uống dầu gấc. Liều dùng: Người lớn mỗi ngày 10 – 20 giọt, chia làm 2 lần, uống trước 2 bữa ăn chính; trẻ em: 5 – 10 giọt/ ngày.

Nhu cầu về vitamin A đối với người lớn vào khoảng từ 1 – 3mg/ ngày. Trong chế độ ăn bình thường, nhu cầu này được thức ăn mang lại đầy đủ, chỉ có những lúc đói kém thì vitamin A được đưa từ thức ăn bị thiếu hụt nên cần được bổ sung thêm. Ở Việt Nam, ta thường ăn nhiều rau quả, trong đó có hàm lượng caroten khá đủ, nhưng lại có nhiều người vẫn bị hội chứng thiếu vitamin A. Để giải thích điều này, có tác giả cho rằng có thể trong khẩu phần của ta thường có quá ít dầu mỡ mà 𝞫 – caroten muốn được cơ thể hấp thụ phải có một lượng dầu mỡ nhất định. 𝞫 – caroten lại tan trong dầu nên cơ thể dễ hấp thụ, là một thuận lợi lớn mà chúng ta cần khai thác tối đa.

Hạt gấc dùng theo kinh nghiệm nhân dân, chữa mụn nhọt, tràng nhạc lâu ngày không khỏi, quai bị, sưng vú, tắc tia sữa, trĩ, lòi dom. Có nơi còn dùng hạt gấc chữa sốt rét có báng. Chủ yếu dùng ngoài, khi dùng trong phải cẩn thận, mỗi ngày dùng 1 – 2g.

Rễ gấc chữa tê thấp, sưng chân, phù với liều dùng 4g/ ngày.

Gốc dây gấc, phối hợp với đơn gối hạc, mộc thông, tỳ giải mỗi vị 15g, sắc uống hoặc dùng ngoài ngâm rượu xoa bóp cũng chữa phong thấp, sưng chân.

Leave Comments

0865032706
0865032706