Khái niệm “Lục phủ – Ngũ tạng” hầu như ai cũng đã từng nghe trong cuộc sống. Nhiều khi mọi người cũng chỉ biết một cách “sơ sơ” như là “tim, gan, phổi, thận,…” của con người. Không phải ai cũng biết vai trò của từng tạng-phủ là như nào, nhất là trong Y học cổ truyền. Vậy hãy cùng Thảo dược Manna tìm hiểu nhé. |
Ngũ tạng: Tâm – Can – Tỳ – Phế – Thận
1. Tạng Tâm
Tâm chủ về huyết mạch, chủ thần minh, khai khiếu ở lưỡi.
Tâm làn nguồn thúc đẩy khí huyết vận hành trong cơ thể. Sự co bóp của tim có bình thường hay không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của cơ thể. Tâm về ngũ hành thuộc hỏa. Tâm âm hay thực thể tâm là trái tim, nằm trong lồng ngực phía trên hoành cách mạc, hình tròn, hơi nhọn và dài, giống như bông sen chưa nở chúc xuống, có Tâm bao lạc bao bọc bên ngoài. Tâm khai khiếu ở lưỡi, biểu lộ ra mặt, về chí là vui mừng (hỷ), về dịch là mồ hôi, hai kinh Thủ thiếu âm Tâm và Thủ thái dương Tiểu trường liên lạc với nhau nên Tâm và Tiểu trường có quan hệ biểu lý với nhau.
Trái tim (Tâm âm) có co bóp được bình thường phải dựa vào Tâm khí, Tâm khí có sung mãn mới có thể duy trì sức đẩy, tần suất theo quy luật của Tâm. Huyết dịch phải có Tâm khí thúc đẩy mới có thể vận hành bình thường trong mạch mà dinh dưỡng toàn thân. Mà huyết dịch có sung mãn hay không, đường mạch có thông suốt hay không, phải dựa vào tác dụng của cả ba yếu tố Tâm, huyết, mạch.
Tâm chủ về huyết mạch của cơ thể
2. Tạng Can
Can chủ tàng huyết, chủ sơ tiết, chủ gân, khai khiếu ở mắt.
Can là cơ quan chủ yếu tàng chứa huyết. Khi cơ thể ở trạng thái yên tĩnh thì phần nhiều huyết dịch được tàng chứa ở Can. Nếu cơ thể ở trạng thái hoạt động, nhiều cơ quan sẽ phải làm việc với cường độ cao thì huyết dịch lại từ Can phân bố ra các cơ quan trong cơ thể để cung cấp khí và chất dinh dưỡng. Đó cũng chính là công năng chủ yếu của tạng Can: tàng chứa và điều tiết huyết dịch.
Can chủ thăng chủ động: “Thăng phát” là một đặc tính chủ yếu của Can. Can tại ngũ hành thuộc mộc, thông với Xuân khí. Ngày Xuân là ngày mở đầu trong bốn mùa, khi đó cũng là thời điểm dương khí bắt đầu sinh phát; bởi vậy, ngày Xuân là thời gian sinh sôi nảy nở, “sinh khí điều hòa thì ngũ hóa đều bình ổn”.
Can sơ thông, phát tiết khí của thân thể: Can chủ sơ tiết, đồ ăn uống vào Vị cần dựa vào khí của Can mộc mới thông đạt thư thái:
- Điều tiết khí cơ
- Xúc tiến công năng vận hóa của Tỳ Vị
- Điều sướng tình chí
- Thông lợi đường thủy ở Tam tiêu
- Thúc đẩy con trai phóng tinh, con gái rụng trứng theo đúng chu kỳ kinh nguyệt
3. Tạng Tỳ
Tỳ chủ vận hóa, chủ thống lãnh huyết, chủ cơ thịt, khai khiếu ở mồm.
Tỳ có công năng vận hóa chất dinh dưỡng. Nó có quan hệ trực tiếp đến sự tồn vong của các hoạt động sống, bởi vậy mới nói Tỳ Vị là “gốc của hậu thiên”.
Tỳ ở trung tiêu, ở phần trên của khoang bụng, dưới cơ hoành. Tỳ chủ về vận hóa, chủ về thăng thanh (chuyển những chất thanh khiết lên), chủ về thống huyết (nắm giữ chất lượng dinh dưỡng trong máu).
Tỳ chủ vận hóa: Vận hóa là chuyển vận và chuyển hóa. Vận hóa của Tỳ bao gồm vận hóa thực phẩm và vận hóa thủy thấp. Vân hóa thực phẩm là chuyển hóa đồ ăn thức uống thành các dưỡng chất tinh vi, sau đó vận chuyển phân bố đi khắp nơi trong cơ thể để nuôi dưỡng toàn thân. Vận hóa thủy thấp là đối với lượng nước dư thừa trong việc hấp thu tinh vi thủy cốc thì kịp thời vận chuyển đến Phế và Thận, thông qua chức năng khí hóa của phổi và Thận biến thành mồ hôi và nước tiểu mà bài tiết ra ngoài.
Tỳ chủ thống huyết: Bao gồm việc Tỳ khí kiềm chế, giữ cho huyết dịch vận hành trong đường mạch mà không tràn ra ngoài. Ngoài ra, Tỳ hóa sinh và kiểm soát chất lượng dinh dưỡng trong máu khiến cho thành phần huyết được ổn định mà không chạy loạn. Từ đó gọi chung là Tỳ chủ thống huyết.
4. Tạng Phế
Phế chủ khí, giữ việc tuyên thông, thông điều thủy đạo, chủ da lông, khai khiếu ở mũi.
Phế gồm hai lá rủ xuống hai bên, bao che bên ngoài Tâm (tim), cho nên Phế giữ chức quan tướng phó.
Phế về ngũ hành thuộc kim. Thực thể Phế hay Phế âm có thể hiểu là phổi. Phế nằm ở lồng ngực, tách ra hai bên, bao bọc cho Tâm như cái lọng ở trên Tâm nên còn gọi là “hoa cái”. Ngoài ra, khi hít đầy khí, phổi nở ra chiếm một thể tích rất lớn căng hết lồng ngực, Phế lại là cơ quan ở vị trí cao nhất trong toàn bộ tạng phủ, bởi vậy người xưa ví Phế như bầu trời, Tâm nằm trong khoảng Phế bao bọc như mặt trời trên bầu trời. Phế khai khiếu ở mũi, biểu lộ ra tóc, về chí là lo âu (ưu), về dịch là nước mũi. Hai kinh Thủ thái âm Phế và Thủ dương minh Đại trường liên thông với nhau nên Phế với Đại trường có quan hệ biểu lý.
Phế chủ khí: Phế thông qua hít vào khí trong lành của tự nhiên và thở ra khí ô trọc, đã thực hiện việc chuyển đổi, điều tiết sự thăng giáng vào ra và mọi vận động của khí bên trong cơ thể. Phế chủ khí toàn thân, khí trong lành do Phế hít vào kết hợp với tinh khí của thủy cốc do Tỳ Vị vận hóa biến thành tông khí, là cơ sở vật chất của mọi hoạt động sống.
Phế “thông điều thủy đạo”: Phế ngoài việc chủ khí của toàn thân ra còn có tác dụng lưu thông, điều phối toàn bộ các đường thủy dịch trong cơ thể “Thông điều thủy đạo”. Phế hội tụ mọi kinh mạch, sự vận hành của huyết dịch trong cơ thể nhờ khí thúc đẩy dựa vào sự thăng giáng của Phế. Vậy nên Phế có chức năng lưu thông thủy đạo, có tác dụng sơ thông điều tiết sự vận chuyển, bài tiết chất nước trong cơ thể.
Phế chủ khí, ví như một người lính bảo vệ cơ thể
5. Tạng Thận
Thận chứa tinh, chủ thủy, sinh tủy, thông não, chủ nạp khí, khai khiếu ở tai.
Thận sẽ tốt khi có cửa chắn, cửa chắn không linh hoạt sẽ dẫn đến thủy dịch tích tụ mà tà khí càn rỡ, thủy dịch lan tràn ứ đọng vào trong cơ thịt mà dẫn đến thủy thũng.
Thận là gốc của tiên thiên: Thận là then chốt của sự sống. Thực thể Thận có thể hiểu là quả thận, nằm ở sau lưng hai bên cột sống, mỗi bên một quả. Thận khai khiếu ở tiền hậu âm, có thể hợp với xương, biểu hiện ở tóc, về chí là sợ (khủng), về dịch là nước bọt. Thận có quan hệ khí hóa tương thông biểu lý với Bàng quang. Công năng của Thận rất bao trùm, <Nội kinh> cho rằng công năng của Thận gồm có ba phương diện:
- Chủ tàng tinh, xúc tiến quá trình sinh trưởng, phát dục. <Tố vấn – Lục tiết tạng tượng luận> gọi là “gốc của tàng giữ”.
- Chủ thủy dịch, cho nên còn gọi là thủy tạng.
- Chủ nạp khí, là gốc của khí. Trương Cảnh Nhạc nói: “Mệnh môn ở vùng giữa hai quả Thận, cả hai Thận đều thuộc mệnh môn”. Đó là nhấn mạnh ý Thận lại có chân âm, chân dương; Thận là gốc rễ của âm dương ngũ tạng lục phủ. Bởi vậy Thận còn được gọi là “gốc của âm dương”.
Đặc trưng sinh lý của Thận:
- Thận tiềm tàng: Thận có tính đóng kín, thể hiện ở hoạt động sinh lý chủ yếu của Thận là tàng tinh, tàng huyết, nạp khí.
- Thận ghét táo (khô ráo): Thận là thủy tạng, chủ tàng tinh, chủ tân dịch. Táo thì dễ làm tổn thương âm tân, hao tổn Thận dịch; bởi vậy khi trị liệu bệnh Thận không được dùng nhiều thuốc khô táo.
- Thận là gốc của tiên thiên: Thận chứa đựng tinh của tiên thiên là tinh khí bẩm thụ từ cha mẹ. Nó chính là dạng vật chất nguyên sơ tạo nên nguồn động lực cho mọi hoạt động sống.
- Thần là tạng chứa đựng thủy hỏa: Thận chứa đựng chân âm và chân dương: đó chính là khởi nguồn âm dương của tạng phủ, là gốc rễ của âm dương trong cơ thể.
Thận thông với khí của mùa Đông: Thận trong ngũ hành thuộc thủy, mùa Đông cũng thuộc thủy. Cho nên Thận khí thịnh vượng nhất vào mùa Đông mà mùa Đông thì cũng hay phát sinh bệnh biến ở Thận.
Thận – suối nguồn của sự sống