Ở Phần 1, Thảo dược Manna đã giới thiệu với các bạn thông tin về “Ngũ Tạng” theo Y học cổ truyền. Ở Phần 2 này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu cùng Quý bạn đọc khái niệm về “Lục Phủ” được mô tả trong Y học cổ truyền và mối tương quan giữa Lục Phủ và Ngũ Tạng. |
Lục Phủ: Đởm – Vị – Tiểu trường – Đại trường – Bàng quang – Tam tiêu
Tạng-Phủ là tên gọi chung cho các cơ quan bên trong cơ thể. Từ khía cạnh công năng sinh lý mà chia ra năm tạng, sáu phủ và phủ kỳ hằng. Lấy ngũ tạng làm trung tâm “một tạng, một phủ, một âm, một dương, do kinh lạc mà liên thông với nhau.
1. ĐỞM
Đởm tuy là một trong sáu phủ, tuy nhiên do tính chất chứa đựng nước mật, nên không tiếp nhận những chất cặn bã trong thức ăn cũng như vị quan thanh liêm không nhận hối lộ. Bởi vậy, được gọi là quan “chung chính”, “thanh liêm”.
Do tính chất đặc biệt của mình, Đởm vừa thuộc lục phủ lại vừa là phủ kỳ hằng (sẽ được Thảo dược Manna giới thiệu ở phần sau). Đởm chứa nước mật vị đắng sắc vàng, có nguồn gốc là những khí tinh vi dư thừa ở Can tràn vào mà thành, nước mật được đưa vào trong ruột giúp quá trình tiêu hóa thức ăn. Về thực thể tạng Đởm có thể hiểu là túi mật.
Đởm ứng với hình tượng của trời đất mà là phủ kỳ hằng, Đởm chủ phán đoán. Đởm có công năng phán đoán sự vật và đưa ra quyết định. Công năng quyết đoán của Đởm có tác dụng quan trọng đến: việc phòng ngự và tiêu trừ những kích thích không tốt ảnh hưởng đến thần kinh (như sợ hãi quá độ hay kinh hoàng đột ngột), điều tiết và khống chế để khí huyết vận hành bình thường, duy trì mối quan hệ hiệp đồng lẫn nhau giữa các tạng phủ.
Các cơ quan nội tạng nhận sự quyết đoán ở Đởm:
- Đởm chủ quyết đoán: Đởm, trung chính cương trực, không thiên lệch, cho nên một một tạng lấy quyết định ở nó.
- Đởm chủ về khí Xuân sinh: Đởm, coi trọng sự thăng phát dương khí, Can Đởm đều thuộc mộc, đều ứng với khí thăng lên của mùa Xuân. Trong tạng phủ, Can là âm, Đởm là dương.
- Đởm khí giúp chính trừ tà: Người dũng cảm khi nghịch loạn bị ngừng lại, người sợ hãi tà khí lưu trú sinh bệnh. Khí của Đởm tráng thịnh thì tà không thể dây dưa.
- Đởm chủ về nửa biểu nửa lý, có thể thông đạt âm dương: Đởm, chức quan trung chính, lại là phủ kỳ hằng, bởi vậy có thể thông đạt âm dương, mà mười một tạng đều giữ sự quyết định ở đó.
2. VỊ
Vị có công năng thu nạp và làm chín nhừ đồ ăn uống luôn phối hợp với Tỳ có công năng vận hóa chất dinh dưỡng. Nó có quan hệ trực tiếp đến sự tồn vong của các hoạt động sống, bởi vậy mới nói Tỳ Vị là “gốc của hậu thiên”.
Vị ở dưới cơ hoành, phía trên của khoang bụng. Đông y chia Vị thành ba bộ phận: trên, giữa và dưới. Phần trên của Vị gọi là thượng quản (môn vị). Phần giữa gọi là trung quản (dạ dày trong Tây y). Phần dưới gọi là hạ quản (u môn: là điểm nối giữa Vị và Tiểu trường; Tây y gọi là cơ thắt môn vị, là điểm nối giữa dạ dày và tá tràng). Chức năng chủ yếu của Vị là thu nạp và làm chín nhừ thực phẩm. Vị lấy giáng làm chính, có quan hệ biểu lý với Tỳ.
Thu nạp. Thức ăn thông qua Vị sơ bộ tiêu hóa làm nghiền nát chín nhừ, hình thành một hỗ chất sền sệt, đó gọi là sự thu nạp của Vị. Ăn uống vào miệng, thông qua thực quản xuống Vị, bởi vậy mới gọi Vị là “đại kho” ý nói là “biển chứa đựng đồ ăn thức uống”. Sự hóa sinh của khí huyết tân dịch trong mọi hoạt động sống, đều dựa vào năng lượng của các chất dinh dưỡng, bởi vậy <Nội kinh> gọi Vị là “biển của thực phẩm khí huyết”.
Lấy giáng xuống để điều hòa. Đồ ăn uống thông qua Vị để thu nạp chín nhừ, sau đó đi xuống vào Tiểu trường để tiêu hóa hấp thụ thêm một bậc. Do đó nói, Vị chủ thông giáng, lấy giáng xuống để điều hòa. Trong học thuyết tạng tượng, chức năng thông giáng của Vị còn thể hiện ở toàn bộ quá trình chuyển vận thực phẩm từ trên xuống dưới từ khi còn là đồ ăn thức uống, xuống dạ dày thành các chất tiêu hóa, qua ruột non xuống ruột già thành các chất cặn bã và xuống đến trực tràng thành phân.
Đường đi của đồ ăn thức uống trong cơ thể
3. TIỂU TRƯỜNG
Tiểu trường, là cơ quan có đoạn ruột dài nhất, phía trên nối với dạ dày ở môn vị, phía dưới liên tiếp với Đại trường tại lan môn. Công năng sinh lý chủ yếu của Tiểu trường là thu nạp, chuyển hóa và phân biệt thanh trọc.
Thu nhận và chuyển hóa vật chất
Trong thân thể, Tiểu trường có tác dụng tiếp nhận những thức ăn đã ngấu như ở Vị, chuyển hóa và chia tách thành các chất tinh vi và cặn bã (phân biệt thanh trọc). <Nội kinh> đề xuất: Chất tinh vi là những vật chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, gọi là “thanh khí”; Chất cặn bã là những vật chất dư thừa không cần thiết cho cơ thể, gọi là “trọc khí”. “Thanh khí” thông qua tác dụng hấp thụ vận hóa của Tỳ đi lên Tâm Phế, phân bố toàn thân. Còn phần “Trọc khí”, cặn bã thì chuyển xuống Đại trường (thành phân), nước thải thì chuyển xuống Bàng quang (thành nước tiểu). Do vậy nên gọi là “phân tách thanh trọc”.
Tiểu trường chủ thủy dịch
Tiểu trường hấp thụ các chất tinh vi trong thức ăn đồng thời cũng thu ạp một lượng lớn chất nước, bởi vậy Tiểu trường chủ về thủy dịch. Tiểu trường nếu có bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố thủy dịch của toàn thân. <Nội kinh> cho rằng: do “hỏa ở kinh Tâm, truyền đến Tiểu trường” gây ra. Tiểu trường có kinh mạch liên thuộc với Tâm, đồng thời Tâm và Tiểu trường có mối quan hệ biểu lý, Tâm là tạng hỏa, hỏa dễ vượng thịnh nên Tâm hỏa thường thường ảnh hưởng đến công năng phân thanh giáng trọc của Tiểu trường, khí đó sẽ xuất hiện bệnh biến ở Tiểu trường, nếu phát triển thêm sẽ ảnh hưởng đến biến hóa thủy dịch ở toàn cơ thể.
4. ĐẠI TRƯỜNG
Công năng sinh lý chủ yếu của Đại trường là chuyển hóa các chất cặn bã.
Đại trường nằm trong khoang bụng. Thực thể hay phần âm của Đại trường có thể hiểu là ruột già và ruột thẳng (đại tràng và trực tràng của Tây y). Phía trên nối tiếp với cuối của ruột non, phía dưới nối với hậu môn.
Chức năng của Đại trường là vận chuyển và bài tiết chất cặn bã. Đại trường tiếp nhận các thức ăn tiêu hóa từ ruột non dồn xuống, hấp thụ lượng nước và chất dinh dưỡng cuối cùng còn lại, đồng thời chuyển hóa chất cặn bã thành phân mà bài tiết ra khỏi hậu môn. Đại trường là con đường dẫn các chất cặn bã chuyển ra bên ngoài cho nên còn gọi là “chủ về đường dẫn chuyển”.
Đại trường chủ tân: Tân có thể hiểu là nước nguồn, chất nước cung cấp cho các cơ quan. Dịch là lượng nước trong sử dụng. Chức năng chủ yếu của Đại trường là thu giữ nước trong các chất cặn bã, bởi vậy <Linh khu – Kinh mạch thiên> có nói “Đại trường chủ tân”.
Đại trường bao gồm Ruột hồi và Ruột rộng. Ruột hồi (hồi trường), là một đoạn của đại tràng, trên nối với tiểu tràng, dưới liền với quảng tràng. Đối chiếu với giải phẫu Tây y là đoạn ruột gồm manh tràng, kết tràng lên, kết trang ngang và kết tràng xuống. Ruột rộng (quảng trường/ tràng), là một bộ phần của Đại trường, trên nối với ruột hồi, dưới kết thúc ở hậu môn. Đối chiếu với giải phẫu của Tây y là đoạn ruột gồm: kết tràng xích-ma và trực tràng.
Tiểu trường và Đại trường
5. BÀNG QUANG
Bàng quang còn gọi là “bóng đái”, là cơ quan chứa đựng cô đặc và bài tiết nước tiểu. Nó ở bụng dưới, liên thông trực tiếp với Thận, và cũng có quan hệ biểu lý với Thận.
Bàng quang chứa nước.
<Nội kinh> nói Bàng quang chứa đựng “tân dịch”, chủ yếu chỉ hai loại: nước tiểu và thủy dịch bình thường trong thân thể. Thủy dịch của cơ thể được thay thế thông qua Tỳ, Phế, Thận, Đại Tiểu trường, Tam tiêu, … tác dụng tổng hợp của các cơ quan tạng phủ mà hoàn thành. Thận thu thập thủy dịch từ Tỳ Vị chuyển hóa cô đặc mà thành nước tiểu, dồn xuống chứa đựng trong Bàng quang, Bàng quang tiếp tục hấp thụ và cô đặc nước tiểu cho đến khi nước tiểu trong Bàng quang đầy tới một mức độ nào đó thì sẽ được đưa ra ngoài qua niệu đạo. Có thể thấy, Bàng quang chứa đựng tân dịch cũng chính là tác dụng chứa đựng nước tiểu. Ngoài ra trong <Linh khu – Quyết khí> có nói: “Tấu lý phát tiết, mồ hôi xuất ra dầm dề, đó được gọi là tân”. “Đồ ăn uống đưa vào khí chất được đầy đủ, cung cấp cho xương cốt, gân cốt được co duỗi, tươi nhuận bổ ích cho não tủy, da dẻ sẽ mịn màng nhuận trạch, đó gọi là dịch”. Từ đó đã gộp tân dịch với tinh, khí, huyết, mạch thành một nhóm gọi là “lục khí”.
Bàng quang chủ khí hóa
Khí hóa, nguyên là một thuật ngữ của triết học Trung Quốc tối cổ, xuất hiện sớm nhất trong “Kinh dịch”. Ý chí khí của âm dương hóa sinh vạn vật. Quan điểm trên được thu nhận trong lĩnh vực y học dùng để giải thích; trong hoạt động sống của con người, do khí vận động mà sinh ra các loại biến hóa sinh lý, bao quát tinh, khí, huyết, tân dịch … Các vật chất có thể chuyển hóa và thay thế lẫn cho nhau. Bàng quang chủ khí hóa, sớm nhất thấy trong <Tố vấn – Linh lan bí điển luận> có nói: “Bàng quang là quan châu đô, tân dịch tàng chứa ở đó, khí hóa xuất phát từ đó”. Ngoài ra, sự khí hóa của Bàng quang là dựa vào sự khí hóa của Thận. Bàng quang tương thông trực tiếp với Thận, cả hai có kinh mạch liên thuộc với nhau, có quan hệ biểu lý với nhau. Thứ hai, sự khí hóa của Bàng quang lại dựa vào sự phối hợp khí hóa của Tam tiêu. <Tố vấn – Linh lan bí điển luận> nói “Tam tiêu, là chức quan đường thủy, đường thủy từ đó mà ra”. Tam tiêu không những là đường thăng giáng xuất nhập của khí cơ mà còn là nơi diễn ra khí hóa, quản lý việc khí hóa của toàn thân, vận hành thủy dịch, lưu thông thủy đạo, nên có ảnh hưởng đến sự khí hóa của Bàng quang và sự phối hợp thay đổi cân bằng thủy dịch. Cuối cùng, sự khí hóa của Bàng quang liên quan đến việc thông điều thủy đạo của Phế và công năng vận hóa của Tỳ. Như trong <Huyết chứng luận – Tạng phủ bệnh cơ luận> có nói: “tiểu tiện tuy từ Bàng quang mà ra, nhưng thực ra lại có nguồn từ thủy ở Phế, nếu nước trên nguồn trong thì nước ở dưới cũng trong. Tỳ như kênh mương dẫn nước, nếu kênh mương tốt thì đường thủy cũng lợi”. Từ đó nói lên công năng của Tỳ Phế cũng ảnh hưởng đến quá trình khí hóa của Bàng quang và công năng bài tiết nước tiểu của nó.
Thận và Bàng quang có quan hệ biểu lý với nhau
6. TAM TIÊU
Tam tiêu, một trong sáu phủ, là tên gọi chung của Thượng tiêu, Trung tiêu và Hạ tiêu.
Tam tiêu trong học thuyết tạng phủ là một trong sáu phủ, có đặc điểm công năng là lấy thông làm dụng đối với sáu phủ, công năng chủ yếu của nó là khí hóa và lưu thông thủy dịch. Tam tiêu là tên gọi chung cho Thượng tiêu, Trung tiêu và Hạ tiêu. Vậy Tam tiêu là gì? Trả lời đơn giản thì Tam tiêu có 2 nghĩa:
- Chỉ một trong sáu phủ, ý chỉ khoảng chứa của tạng phủ, tạng phủ bên trong hoặc các khoang tổ chức bên trong liên hệ với nhau mà hình thành đường thông, có tác dụng vận hành nguyên khí và tân dịch. Là vị trí để khí thăng giáng xuất nhập, cũng là đường thông để vận chuyển phân bố và bài tiết tân dịch.
- Là khái niệm về vị trí: từ cơ hoành trở lên là Thượng tiêu, từ cơ hoành đến rốn là Trung tiêu, từ rốn trở xuống hết thân mình là Hạ tiêu.
Tam tiêu và tạng phủ
So sánh tạng với phủ thì tạng có địa vị chủ đạo; mà Tâm lại ở vị trí quân chủ thống lãnh mọi tạng phủ. Tam tiêu trong lục phủ cũng có chức năng tương tự như vậy. Thực tế, ngũ tạng lục phủ đại biểu cho hệ thống công năng rất phức tạp của cơ thể, mỗi thứ đều có công năng không hề tầm thường. Tam tiêu cũng không ngoại lệ. Tất nhiên Tam tiêu không thể thay thế hoặc bỏ qua được, bởi vì không một cơ quan tạng phủ nào có thể thay thế được vị trí của Tam tiêu. Tam tiêu là ba con đường liên hệ giữa con người với hoàn cảnh phát sinh trong tự nhiên; tinh khí của thiên địa dựa vào nó mới có thể nhiếp thu, chất cặn bã trong cơ thể nhờ nó mà bài xuất, đó chính là ý nghĩa của Tam tiêu tồn tại trong khoảng tạng phủ.
Công năng của Tam tiêu:
- “Thượng tiêu như vụ”: Thượng tiêu Tâm Phế có tính năng phân bố khí huyết đi nuôi dưỡng khắp các cơ quan tổ chức trong cơ thể, giống như sương mù thẫm đẫm hơi nước cho hết thảy cỏ cây hoa lá, nên mới nói “Thượng tiêu như sương”.
- “Trung tiêu như âu”: Trung tiêu gồm Tỳ Vị chuyên làm ngấu nhừ và chuyển hóa đồ ăn thức uống, từ đó hóa sinh ra khí huyết nuôi dưỡng cơ thể; giống như cái vại ủ có tác dụng ngâm ủ và lên men thực phẩm. Bởi vậy mới nói “Trung tiêu như vại ủ” (Âu: có nghĩa là ngâm, ủ trong tiếng Hán).
- “Hạ tiêu như độc”: Hạ tiêu có công năng sinh lý chủ yếu là đường dẫn truyền và bài tiết phân và nước tiểu. Nếu từ Đại trường đi ra thì là đại tiện, nếu từ Bàng quang mà bài xuất thì là tiểu tiện. Bởi vậy mới nói “Hạ tiêu như cái cửa cống” (độc: nghĩa là cái ngòi nước, cửa cống trong tiếng Hán).