Ho là chứng bệnh rất phổ thông vô luận ở đâu, lúc nào đều có thể nghe tiếng ho. Mùa Đông-Xuân bệnh này nhiều nhất, người già, trẻ em cơ thể suy nhược tương đối dễ sinh ho, nếu ho dây dưa không chữa khỏi có thể dẫn đến ho mãn tính khó chữa. Hãy cùng Thảo dược Manna (Mannaherbal) tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa các chứng bệnh về ho nhé. |
CƠ CHẾ BỆNH HO
Cơ chế bệnh này có thể chia hai loại:
- Ho ngoại cảm: Chủ yếu là do bị ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt, tạo thành phế khí ngăn nghẹt không tuyên thông, chức năng dịu lắng mất bình thường, sinh ho có nhiều đờm, bị ngoại cảm khí thu táo, âm tân của phổi bị đốt khô, có thể gây ngứa họng kho khan.
- Ho do nội thương: Chủ yêu là do ba tạng phế tỳ thận suy hư mà gây ra, nói chung, hàn thấp thương tỳ, thành đờm thành ẩm, vị trường tích nhiệt, nhiệt đốt ở phổi, phế thận âm hư thời khí và âm tân đều bị tổn thương, đều có thể gây ra ho; ho hắng lâu ngày dây dưa không khỏi có thể phát chứng hen suyễn hoặc sưng phổi.
BỆNH CHỨNG LUẬN TRỊ
Trước phải biện cho được cấp tính hay mãn tính. Cấp tính phần nhiều là ngoại cảm, phải chú ý phân ra hàn nhiệt táo thấp. Mãn tính phần nhiều nội thương, phải chú ý tình trạng ba tạng phế, tỳ, thận, kết hợp luận trị hư thực hai đường tà chính. Nói chung, cách chữa phải tuyên phế, chỉ khái, hóa đờm, nhưng đối với chứng nội thương lại phải chú ý bổ hư.
- Chứng phong hàn: Ho đờm lỏng loãng dễ khạc ra, thấy phát sốt ớn lạnh không mồ hôi, đau đầu nghẹt mũi nặng tiếng sổ mũi, ngứa họng, miệng không khát, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn, hoặc huyền.
Cách chữa: Phải ôn tán phong hàn, tuyên phế hóa đờm, (giải cảm là chính, kèm chữa ho) cổ phương hay nhất là chỉ thấu tán.
- Chứng phong nhiệt: Ho hắng không sảng khoái, đờm vàng đặc, khó khạc ra, khô miệng, đau họng, hoặc phát sốt sợ gió, đau đầu, chót lưỡi đỏ, rêu mỏng trắng hoặc vàng, mạch phù sắc.
Cách chữa: Sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái, loại Tang cúc âm là chính yếu.
Thể phong hàn phong nhiệt nói trên, tương đương với bệnh viêm phế quản cấp tính của y học hiện đại.
- Chứng đờm thấp: Ho nhiều đờm sắc trắng mà dính, dễ khạc ra, ngực bụng đầy tức, ăn ít tiêu hóa kém, mình mệt mỏi, lạt miệng, chất lưỡi như thường, rêu trắng nhầy, mạch hoạt.
Cách chữa: Táo thấp hóa đờm, đối tượng của Nhị trần thang gia vị.
- Chứng thủy ẩm: Ho, suyễn, thở không nằm được, thỉnh thoảng phù thũng nhẹ, phần nhiều phù ở mặt, đờm nhiều sắc trắng hoặc lỏng hoặc đặc, ho dây dưa mãi không khỏi, gặp hàn lạnh thì phát ra ngay, hoặc kèm sợ lạnh phát sốt, ho suyễn đầy nôn, eo lưng, đầu nhức, lưỡi mập nhạt nhuận, rêu lưỡi trắng nhầy, mạch huyền phù hoặc huyền khẩn, hoặc hoạt.
Cách chữa: Phát biểu ôn lý, tả phế trục ẩm, đối tượng của Tiểu thanh long thang gia giảm.
Nếu ho lâu ngày không chữa khỏi thường là hâm hấp sốt, ho khan ít đờm, miệng khô họng ráo, váng đầu ù tai, hơi thở đoản, đau eo lưng, mỏi đùi chân, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác, đấy là do phế thận lưỡng hư dẫn đến, phải dưỡng âm thanh nhiệt, đối tượng của Lục vị hoàn, Bổ thận âm gia giảm, …
Ho có đờm, đau tức ngực là triệu trứng bệnh thường gặp
BÀI THUỐC DÂN GIAN
1. Loại ôn phế chỉ khái: Chữa ho cảm phong hàn, có triệu chứng tức ngực.
Bài 1. Chữa ho, tức ngực, lạnh, có đờm.
Lá nguyệt bạch (tức cúc mốc) 1 nắm, đường phèn vừa đủ, chưng cách thủy cho uống.
Bài 2. Chữa ho gió, ho phong, ho có đờm.
Củ nghệ ta, xẻ dọc. Nhựa bông một ít, nhét vào củ nghệ lùi chín, cho ăn 2 – 3 lần.
Bài 3. Địa liền 3 củ, muối vài hạt, nhét vào củ Địa liền, lùi chín cho nhai nuốt (Nguyễn An Cư).
Bài 4. Tỏi vài tép, nhai nát rồi húp hai muỗng nước mắm nguyên chất (Nguyễn An Cư).
Bài 5. É tía 1 nắm tươi, vò nát hòa tí muối vắt lấy nước cốt phơi sương 1 đêm đem cho uống (trừ phong tán hàn, hạ đờm giải uất nhiệt). (Nguyễn Trung Hòa, Viện Y dược học dân tộc).
Bài 6. Rau tần dày lá (húng chanh) 1 nắm to rửa sạch, giã nát cho vào 1 bát nước, 1 tí muối, nhồi vắt lấy nước cốt đun sôi vài dạo, cho uống ấm vài lần.
Bài 7. Ngải cứu một nắm to, giã vắt lấy nước cốt, cho vào ít muối phơi sương ba giờ, đem cho uống hết 1 lần.
Cao bách bộ. Chuyên chữa ho theo kiểu ôn phế chỉ khái.
Bách bộ bỏ lõi thái nhỏ sao khô (10.000g), Tang bạch bì cạo bỏ vỏ vàng bên ngoài tẩm mật sao vàng (2000g), Mạch môn bỏ lõi (5000g). Ba vị này nấu thành cao lỏng.
Củ sả (1000g), Trần bì (1000g), Sinh khương (1000g), Tô tử (1000g). Bốn vị này giã nát ngâm rượu 40 độ, vừa đủ.
Dùng hỗn hợp 300ml cao lỏng cùng với 200ml rượu.
2. Loại thanh phế chỉ khái: Chữa ho nóng phổi, đờm vàng, đau trong cổ, khô miệng.
Bài 1. Tang bạch bì (40g), Hạt tía tô (8g), Hoa cúc trắng (20g). Sắc uống.
Bài 2. Chanh quả (3 – 5 quả), Bách thảo sương một ít. Chanh thái nhỏ để vào bát, Bách thảo sương nghiền nhỏ trộn với chanh chưng cách thủy, cho đường vào ăn sau bữa ăn.
Bài 3. Chữa ho khô cổ khản tiếng (Lê Minh Xuân).
Chua me đất (100g), Tiêu sọ (20g), Muối rang (20g), Nước dừa tươi (1 quả).
Me đất rửa sạch, tiêu sọ sao tồn tính, các vị giã nát ngâm với nước dừa tươi, vắt lấy nước rót vào chai. Liều uống và ngâm 30ml/ ngày.
Bài 4. Chữa ho (Đỗ Hữu Cân, Hà Nội).
Chua me đất (1000g), sắc vài nước lọc bỏ bã. Mía đường (3 cây) róc vỏ bỏ chặt khúc ép lấy nước, cho vào nấu chung với nước chua me đất.
Rượu 50% cho vào khuấy đều để dùng dần. Liều dùng mỗi lần 1 thìa cafe.
Bài 5. Chữa ho lao phổi nóng (Lê Minh Xuân).
Rễ dâu (12g), Bách bộ (12g), Cam thảo (12g), Thuốc giòi (12g), Thiên môn (12g), Mạch môn (12g).
Các vị rửa sạch, thái nhỏ sao qua, nước ba chén sắc còn một, hoặc nấu cao pha siro (tăng số lượng lên 10 lần).
3. Loại trừ đờm chỉ khái.
Bài 1. Chữa ho lâu ngày nhiều đờm (Vũ Hứa, Hải Dương).
Khô phèn (20g), Chanh chua (1 quả).
Phèn tán nhỏ, chanh nướng chín vắt lấy nước trong hòa phèn đánh tan, gạn nước trong cho uống. Lúc trẻ ho có đờm tắc cổ, cho uống một thìa nhỏ chừng ba phút sẽ hết đờm.
Bài 2. Tam tử dưỡng thân thang (Hàn thị y thông)
Hạt tía tô, Hạt cải bẹ, Hạt cải củ (3 vị không quá 10g) rửa sạch, sao qua, nghiền nát, chứng nào nhiều thì dùng vị đó làm đầu. Sắc uống.
Bài 3. Chữa ho nhiều đờm (Lê Minh Xuân).
Gừng già (12g), Bán hạ (12g), Trần bì (12g), Cam thảo (12g).
Nước ba chén, sắc còn 8 phân cho uống hai lần/ ngày.
Bài 4. Chữa ho gió nhiều đờm (Nguyễn Trung Hòa).
Củ cỏ ống (sao cháy) (1 nắm), Vỏ quýt (1 cái), Củ sả (sao vàng) (3 củ), Gừng (3 lát).
Sắc uống.
Bài 5. Chữa ho nhiều đờm (Nguyễn Trung Hòa).
Phèn phi (40g), Nghệ vàng (sao vàng) (80g).
Tán nhỏ rây kỹ, hồ hoàn bằng hạt đậu xanh, trẻ nhỏ hòa thuốc với sữa cho uống, người lớn bỏ thuốc vào ô mai ngậm tan dần.
4. Loại thanh phế, giáng đờm hạ khí chữa ho trẻ em.
Bài 1. Thanh phế thang – chữa ho viêm phế quản (Lê Minh Xuân).
Rễ dâu (20g), Sâm đại hành (20g), Sò lẻ bạn (20g), Lá chanh (12g), Cam thảo nam (12g).
Sắc ba chén còn một chia uống hai lần trong ngày.
Bài 2. Chữa ho (Nguyễn Trung Hòa).
Lá cứu (1 nắm), Lá nguyệt bạch (1 nắm), Trà ngon (1 ấm), Thuốc giòi tía (1 nắm), Gừng (3 lát).
Sắc uống.
Bài 3. Chữa ho (Dương Văn Tẻo, Hậu Giang).
Lá nguyệt bạch (2g, chưng cách thủy), Lá trắc bá (2g), Lá thuốc giòi (2g), Dây tơ hồng (2g), Nghệ (4 lát).
Sắc uống.
Bài 4. Chữa ho (Thích Tâm Ấn, Sài Gòn).
Cải trời (1 nắm), Chỉ thiên (1 nắm), Húng cây (1 cây), Chanh quả (1 quả, lùi), Đậu xanh (1 nắm), Lá bưởi (1 nắm), Lá bồ bồ (1 nắm), Cây ớt (1 nắm), Vỏ quýt ( 1 cái), Rễ tranh (1 nắm), Cam thảo đất (1 nắm), Gừng sống (3 lát).
Nước ba chén sắc còn một, chia uống hai lần, cách 6 giờ và hâm cho nóng mà uống.
5. Loại nhuận phế chỉ khái, chữa viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, ho tức ngực, âm hư phế nhiệt dẫn đến ho táo tà.
Cao thiên môn: Dùng củ dây tóc tiên (Thiên môn đông) rửa sạch bỏ lõi giã vắt lấy nước cốt 10 ly (khoảng 1 lít) nấu nhỏ lửa đến còn ba thăng (ba ly) cho vào 4 lạng mật ong (160g) cô đến độ giỏ vào nước không tan, đem rót lọ sành, nút kín, hạ thổ ba ngày để khử bớt hỏa độc, rồi lấy lên để dùng.
Liều uống 1 muỗng ăn canh (khoảng 30ml) ngày hai lần sáng sớm còn đói và tối lúc đi ngủ, hòa tan trong nước sôi mà uống (Nam dược thần hiệu).
Dùng thảo dược chữa các bệnh về ho luôn hiệu quả và an toàn