Hòe hay hòe hoa là vị thuốc quen dùng trong rất nhiều phương thuốc y học cổ truyền. Hòe hoa có rất nhiều tác dụng trong thanh nhiệt, giải độc, cầm máu. Hãy cùng Thảo dược Manna (Mannaherbal) tìm hiểu về cây thuốc này nhé. |
Thông tin chung
Tên gọi: Hòe
- Tên khoa học: Sophora japonica L. họ. Cánh bướm (Papilionaceae).
- Tên khác: Pagoda tree flower (Anh).
Bộ phận dùng: (1) Nu hoa hòe chưa nở (Flos Sophorae immaturus), gọi là Hòe mễ (TQ).
(2) Nụ hoa hòe sắp nở (Flos Sophorae), gọi là Hòe hoa (TQ).
Hiện nay nước ta thu mua Hòe mễ có lẫn ít Hòe hoa gọi chung là hoa hòe (Flos sophorae). Hòe hoa đã được ghi vào Dược điển Việt nam (1977), (1983); Dược điển Trung quốc (1963), (1997).
Mô tả cây: Cây Hòe là một cây nhỡ, cao độ 6 – 10m, quanh năm xanh tươi, sống lâu năm, có thể tới hàng trăm năm. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mỗi lá có 7 – 17 lá chét. Sau độ 3 năm thì có hoa. Hoa nhỏ, mọc thành chùm ở đầu cành, hòa hình cánh bướm, màu vàng sáng. Mùa hoa tháng 8 – 9. Hòe nếp nhiều hoa. Hòe tẻ ít hoa hơn. Quả loại đậu thành từng chuỗi thắt ở giữa các hạt, chứa 1 – 4 hạt.
Phân bố: Cây Hòe được trồng nhiều ở các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An. Trồng bằng hạt già, ươm rồi bứng, cũng có thể chiết cành hay lấy mầm chồi mọc từ rễ mà đem trồng.
Quản lý CITES: Không.
Thu hái, chế biến:
-
- Hòe hoa: thu hái về mùa hạ, khi hoa chưa nở, bẻ những chùm hoa, tuốt lấy nụ hoa (loại riêng những hoa đã nở sớm) rồi phơi nắng thật nhanh cho khô hoặc sấy nhẹ lửa. Cũng có thể sao qua bằng lửa nhẹ trong chảo trước khi đem phơi như chú ý đảo luôn và nhẹ tay tránh làm cháy và vụn nát. Hòe hoa mùi nhẹ, vị hơi đắng. Loại hòe hoa toàn nụ khô, màu vàng lục, to, chắc, không mốc mọt, không nát vụn, không lẫn hoa đã nở và tạp chất, cuống lá, v.v… là tốt. Hòe hoa phải là toàn nụ và hoa hòe sắp nở, tỉ lệ hoa đã nở không quá 10%.
- Hòe giác: Thu hái khoảng tháng 10 – 12 khi quả già thì hái, tuốt bỏ cành, cuống và loại tạp chất rồi đem phơi khô. Hòe giác ít mùi, vị đắng, nhai hạt hơi tanh hăng như đậu. Loại Hòe giác hạt to, mập, già, khô, không lẫn tạp chất là tốt.
Bảo quản: Đậy kín, để nơi khô ráo. Dễ mốc.
Hòe hoa
Thành phần hóa học, công dụng
Thành phần hóa học: Hòe hoa chứa chất rutin C₂₇H₃₀O₁₆ (tỷ lệ khoảng 10% – 28%). Thủy phân sẽ cho quercetin, glucose và rhamnose. Rutin còn gọi là vitamin P.
Hòe giác cũng chứa rutin, tỉ lệ thấp hơn Hòe hoa. Dược điển Việt Nam quy định tỉ lệ Rutin trong hoa hòe ít nhất không dưới 20% (TCVN 651 – 70). Đem sao nhẹ (không làm cháy) không ảnh hưởng đến tỉ lệ Rutin, trái lại làm tăng tỉ lệ lên do khối lượng dược liệu nhẹ đi.
Kiểm nghiệm một mẫu hòe hoa đã sao nhẹ của Thái Thụy (Thái Bình) tỉ lệ Rutin đạt 42,89%.
Tính vị: Hòe hoa theo Đông Y vị đắng tính bình. Hòe giác theo Đông y vị đắng, tính hơi lạnh.
Quy kinh: Hòe hoa quy vào 2 kinh Can, Đại trường. Hòe giác quy vào kinh Can.
Tác dụng:
-
- Hòe hoa: Mát máu, thanh nhiệt, cầm máu. Dùng chữa các chứng bệnh: nôn ra máu, chảy máu cam, lỵ ra máu mũi, trĩ ra máu, phụ nữ băng huyết, đau mắt đỏ. Còn dùng trong trường hợp huyết áp tăng, đề phòng đứt mạch máu não, xuất huyết cấp tính do viêm thận, xuất huyết ở phổi.
- Hòe giác: Có tác dụng trừ phong nhiệt, mát đại trường, nhuận gan.Hòe giác thiên về giáng hạ (đưa xuống) giúp đẻ dễ, có thể gây trụy thai. Dùng chữa các chứng bệnh viêm ruột ra máu (trường phong), trĩ loét ra máu, tim hồi hộp, chóng mặt muốn ngã, đau mắt đỏ, đẻ khó.
Liều dùng: 6 – 12g, sắc uống. Theo một số tác giả, Rutin trong Hòe hoa, Hòe giác làm tăng cường sức chịu đựng của mác mao mạch, làm hạ huyết áp ngoại vi.
Kiêng kỵ: Người thuộc chứng hư hàn, tả chảy, phụ nữ có thai không được dùng.
Hòe giác
Bài thuốc dân gian
Bài 1: Chữa viêm ruột, đại tiện ra máu (trường phong):
- Thành phần: Hòe hoa (6g), Trắc bách diệp (4g), Kinh giới (4g), Chỉ xác (4g).
- Cách dùng: Tán nhỏ, uống với nước cháo, chia làm 3 lần.
Bài 2: Chữa chảy máu cam (mũi) đại tiểu tiện ra máu, trĩ, lỵ ra máu, phụ nữ băng huyết:
- Thành phần: Hòe hoa (9g), Nhọ nồi (Bách thảo sương) (3g).
- Cách dùng: Tán bột, uống với nước sắc rễ cỏ tranh.
Bài 3: Chữa tăng huyết áp, đề phòng đứt mạch máu não, xuất huyết cấp tính do viêm thận, xuất huyết ở phổi:
- Thành phần: Hòe hoa (30g), Hy thiêm (30g).
- Cách dùng: Sắc uống.