KẾ HOẠCH TỰ CUNG TỰ CẤP ĐỂ BẠN CÓ ĐỦ NHU CẦU LƯƠNG THỰC, DƯỢC LIỆU CHO 1 NĂM

 

Trước những báo động về nguy cơ nhiễm độc từ nguồn thực phẩm bẩn, điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp và nhanh chóng tới sức khỏe của chính bản thân bạn và gia đình. Vì thế, nhu cầu tự cung tự cấp thực phẩm, nhất là nguồn rau sạch, dược liệu sạch ngày trở nên cấp thiết và phổ biến. Trong bài viết này, Thảo dược Manna sẽ cùng các bạn đi từng bước để lập kế hoạch cho khu vườn của bạn cho nhu cầu sử dụng trong 1 năm nhé.

 

ĐÁNH GIÁ NHU CẦU VÀ KHÔNG GIAN TRỒNG TRỌT CỦA BẠN

Điều này phụ thuộc vào nơi bạn ở và địa phương bạn đang sinh sống, nhu cầu và thói quen sử dụng rau củ, dược liệu của bạn. Bạn thích ăn loại rau củ nào? hay dùng dược liệu nào để phục vụ việc phòng và chữa bệnh của bạn? khả năng bảo quản, lưu trữ thực phẩm, dược liệu của bạn? Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến đặc điểm và nhu cầu sinh trưởng, phát triển của các loài cây trồng mà bạn đang đưa vào kế hoạch.

Ví dụ, ở miền Bắc, khí hậu bốn mùa rõ rệt, thời tiết hiện tại khá cực đoan, vì thế luôn có các nhóm cây sinh trưởng theo mùa và dược liệu phục vụ việc phòng và chữa bệnh theo mùa. Mùa xuân bắc bộ thường đi kèm với thời tiết nồm ẩm, các bệnh về đường hô hấp và tim mạch hay phát sinh và diễn biến phức tạp. Các loài cây cần thiết để tăng cường sức đề kháng, kháng viêm, và bảo vệ đường hô hấp, hệ tuần hoàn của bạn là rất cần thiết.

Miền Nam, khí hậu nóng quanh năm, chia hai mùa mưa nắng. Nhu cầu chống nóng, làm mát cơ thể hay phòng chống các bệnh do táo, nhiệt là rất cần thiết. Vì thế, ưu tiên các nhóm cây bổ sung nước, thanh nhiệt, sinh tân dịnh hơn.

LÊN DANH SÁCH CÂY TRỒNG VÀ GHI CHÚ TRỒNG TRỌT

Với khu vườn, không gian trồng trọt mà bạn có, hãy lên danh sách chi tiết các loại cây mà bạn sẽ trồng. Nhớ rằng, hãy ghi chú chi tiết về đặc điểm cây, các rủi ro gặp phải của cây trong quá trình sinh trưởng, sâu bệnh hại hay có, phương pháp trồng và chăm sóc cây trồng hiệu quả. Sau đây là một số đề xuất của Thảo dược Manna về cây trồng cho các bạn.

Nhóm cây ăn lá, rau xanh

  • Cải bó xôi: Cải bó xôi là loại rau rất dễ trồng, chỉ sau 35-40 ngày trồng đã có thể thu hoạch. Cải bó xôi còn gọi là rau chân vịt vì có nhiều chất dinh dưỡng, có thể hấp, luộc, xào, nấu canh với tôm, thịt ăn rất ngon. Trên luống trồng, khoảng cách cây cách cây từ 25 – 30 cm. Cải bó xôi là loại rau rất giàu Vitamin nhóm B, K, Kali,… rất có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt với những ai đang mang bầu thì những món ngon về cải bó xôi không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Nếu có thể, bạn hãy tự gieo hạt giống cải bó xôi và chăm sóc để có rau an toàn trong khu vườn nhỏ xinh xinh của mình. 

         Nhu cầu: 6 – 8 cây/ người.

  • Rau diếp: Rau diếp là một trong những loại rau mà bạn có thể trồng quanh năm, tốt nhất là từ tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm sau. Rau diếp thơm đặc biệt có lá dài mỏng, ăn có vị thơm mát. Rau diếp thơm thường được làm gia vị cho các món ăn hoặc làm món luộc có vị thơm và mát. Khoảng cách cây từ 20 – 25cm.

         Nhu cầu: 6 – 10 cây/ người.

  • Rau dền: Trong rau dền, nước và chất xơ chiếm đến 88%, chất đạm chiếm 2.11%, tương đối cao so với các loại rau khác. Ngoài ra, rau dền rất giàu vitamin C, B2 và các khoáng chất. Rau dền cũng cung cấp rất nhiều chất sắt và canxi, tốt cho người bị loãng xương cũng như bổ huyết khí. Cây sinh trưởng nhanh, chỉ cần 25 – 30 ngày là có thể thu hái, thích nghi với mọi loại thời tiết, từ khô nóng đến rét lạnh hay nồm ẩm. Nhiệt độ thích hợp nhất từ 23 ºC – 30ºC, cây ưa ẩm và cần có đủ ánh nắng.
  • Xà lách: Là cây vụ đông, cũng là nguồn rau xanh thường xuyên trong nhà. Nhiệt độ thích hợp cho rau xà lách phát triển tốt nằm trong khoảng 15 ºC – 18ºC, là cây ưa ẩm, độ ẩm đất dao động từ 70-80%, độ ẩm không khí là 65-75%. Cây xà lách chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện ánh sáng, giai đoạn đầu cần nhiều ánh sáng hơn giai đoạn sau, ánh sáng ngày dài ảnh hưởng đến sự hình thành bắp cũng như diện tích lá nhưng không ảnh hưởng đến quá trình hình thành lá. Xà lách là loại rau dễ sống, dễ thích nghi với mọi điều kiện về đất trồng nên có thể trồng quanh năm, sau khi trồng khoảng từ 35 – 40 ngày là bạn đã có thể thu hoạch. Thời điểm trồng xà lách tốt nhất trong năm là từ tháng 8 năm nay cho đến tháng 4 sang năm đối với loại xà lách. Nếu gieo từ tháng 3-4 có thể ăn vào mùa hè.
  • Rau má: Cây rau má thường mọc bò lan trên mặt đất, thân nhẵn, có rễ ở các mấu. Trong vườn nhà, rau má thường được ưa trồng vì mọc nhanh, rất khỏe và thích hợp để gieo trong thùng xốp. Trồng rau má chỉ cần lên luống như gieo rau cải sau đó cấy giống một lần. Công việc còn lại là bón phân vô cơ, làm cỏ, và tưới nước mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều cho cây rau đủ độ ẩm để phát triển. Cây rau má có thể điều trị lành vết thương, tăng kích thích của các chất béo và protein cần thiết để làn da thêm khỏe mạnh. Ngoài ra, cây rau má còn có thể dùng để điều trị suy tĩnh mạch, tăng khả năng tập trung,…
  • Ngoài ra bạn nên trồng thêm một số cây sử dụng như là rau ăn kèm hay vị thuốc rất tốt như: Tía tô, kinh giới, húng quế, húng láng, diếp cá, lá lốt ….

Các loại cây ăn lá trong khu vườn của bạn

Nhóm cây ăn củ, thân rễ

  • Cà rốt: Củ cà rốt cung cấp rất nhiều vitamin A, B1, B2, C và khoáng chất, bạn có thể dùng tươi hoặc bảo quản lâu ngày. Cây trồng cách cây từ 25 – 35 cm. 

         Nhu cầu: 20 – 30 cây/ người.

  • Khoai lang: Cây khoai lang là thực phẩm phổ biến, nhưng cũng là một loại cây thuốc quý rất hữu ích cho sức khỏe con người do chứa nhiều chất xơ, các vitamin, carotene, và chất chống oxy hóa…

         Nhu cầu: 12 – 15 cây/ người

  • Khoai tây: Là loại cây lương thực đa năng, bạn có thể trồng trong thùng xốp, túi đất hay bất kỳ chỗ nào trong góc vườn. Trồng với khoảng cách cây cách cây từ 20 – 30 cm.

         Nhu cầu: 15 – 20 cây/ người

  • Củ cải đỏ: Là cây dễ trồng, phát triển quanh năm và dễ thích nghi với nhiều kiểu khí hậu. Củ cải đỏ chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

         Nhu cầu: 20 – 30 cây/ người.

Nhóm cây ăn củ nên có trong vườn

Nhóm cây ăn quả/ ăn trái

  • Cà chua: Phổ biến và dễ trồng nhất phải kể đến là cây cà chua, có rất nhiều loại cà chua để bạn lựa chọn trồng trong vườn nhà như các giống cà chua bí ngô, cà chua cherry, …Bạn có thể trồng trên các luống trong vườn, trong thùng xốp hay thậm chí trên các giỏ treo ngoài ban công. Cà chua được đưa vào top các cây trồng phải có trong khu vườn của bạn. Khoảng cách cây cách cây từ 50 – 60 cm đối với cà chua thường và 25 – 35 cm đối với các giống cà chua cherry.

        Nhu cầu: 01 – 02 cây/ người đối với cà chua thường và 02 – 04 cây/ người với cà chua cherry.

  • Dưa chuột: Là cây ưa sống trên các đất mùn hữu cơ, đất thịt nhẹ tơi xốp và phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Dưa chuột được dùng theo nhiều cách đa dạng, từ ăn tươi đến trộn chung với các món salad. Dưa chuột giàu khoáng chất, vitamin tự nhiên và ít calo, vị thanh mát và là nguồn bổ sung nước, tân dịch rất tốt cho cơ thể. Trồng cây cách cây từ 80 – 120 cm, kết hợp với que chống và giàn leo cho cây.

         Nhu cầu: 02 – 03 cây/ người.

  • Đậu đũa: Đậu đũa ưa đất tơi xốp, thoát nước, dễ trồng, ít sâu bệnh mà sai quả. Vì thế đây cũng là một loại rau bạn có thể tự trồng trong khuôn viên nhỏ hẹp của vườn nhà. Chỉ cần chuẩn bị một diện tích đất nhỏ hoặc tận dụng ban công, tầng thượng là bạn đã có một giàn đậu cô ve hứa hẹn cho “vụ mùa” bội thu. Cây trồng thành hàng, cách nhau từ 6 – 8 cm.

         Nhu cầu: 05 – 10 cây/ người.

  • Đậu Hà lan: Cây dễ trồng nhu cầu dinh dưỡng không cao, sinh trưởng tốt vào mùa hè thu, chỉ cần 2 tháng là bạn có thể thu hoạch được. Cây trồng cách nhau từ 8 – 10 cm.

         Nhu cầu: 15 – 20 cây/ người.

  • Ớt: Là cây gia vị không thể thiếu được trong bữa ăn cũng là cây thường thức trong mỗi khu vườn. Ớt rất dễ trồng, chỉ cần 1 khoảnh đất nhỏ hoặc trong chậu cây nhỏ, thùng xốp đều có thể dễ dàng trồng được. Bạn có thể trồng ớt chuông hay các loại ớt có độ cay lớn như ớt chỉ thiên …

Nhóm cây dược liệu khác khuyến khích trồng: Cây xạ đen Hòa Bình, Trinh nữ hoàng cung, Đu đủ đực (lấy hoa), Bán chi liên, Giảo cổ lam, Mã đề, Lạc tiên, An xoa, Chè dây.

Màu sắc đa dạng của các loại cây ăn trái

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH LÀM VƯỜN

Bước 1: Chuẩn bị địa điểm

Chọn địa điểm thích hợp để trồng: Một góc vườn hoặc dọn dẹp lại cả khu vườn của bạn để chuẩn bị trồng trọt. Bạn có thể tận dụng không gian ban công hoặc trên sân thượng để trồng cây trong các thùng xốp, chậu nhựa, hay có thể chọn cách trồng thủy canh, khí canh. Đảm bảo luống trồng, chậu trồng thoát nước tốt, đất trồng đủ dinh dưỡng, tơi xốp và bố trí, lắp đặt hệ thống tưới nước, dụng cụ tưới nước và nguồn cấp nước tưới.

Bước 2: Trồng cây

Trồng cây theo danh sách bạn đã chuẩn bị, chú ý về khoảng cách trồng cây, vị trí trồng đối với các cây ưa nắng hoặc ưa mát. Các cây cần giàn leo như cà chua, dưa chuột hay các cây đậu nên bố trí ở các vị trí hợp lý, thuận tiện cho chăm sóc và thu hái. Tuân thủ về chế độ tưới và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng một cách hợp lý.

Bước 3: Chăm sóc cây trồng

Thường xuyên tưới nước và theo dõi sâu hại, bệnh hại. Thực hiện các phương pháp trồng thuận tự nhiên và sử dụng các chế phẩm sinh học tự nhiên, hữu cơ để chăm sóc và làm tăng năng suất cây trồng.

Bước 4: Thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch cây trồng vào đúng vụ, đúng thời điểm nhằm đảm bảo năng suất, hàm lượng dinh dưỡng và có hương vị tốt nhất. Sử dụng các phương pháp bảo quản như: sấy khô, đóng hộp, đông lạnh để có thể tiêu thụ sản phẩm quanh năm.

“Lập kế hoạch cho khu vườn của bạn có lưu ý đến nguồn cung cấp thực phẩm cho một năm là một dự án hoàn thành có thể mang lại an ninh lương thực và niềm vui cao hơn. Bằng cách lựa chọn cẩn thận các loại cây trồng dựa trên sở thích ăn kiêng và không gian sẵn có của bạn, đồng thời tuân theo các hướng dẫn trồng và chăm sóc chi tiết, bạn có thể tối đa hóa năng suất của khu vườn và tận hưởng thành quả lao động của mình trong suốt cả năm. Hãy nhớ rằng làm vườn là một quá trình học tập; mỗi mùa cung cấp những hiểu biết và cơ hội mới để phát triển.”

Hãy để niềm vui từ khu vườn của bạn luôn được rực rỡ

Leave Comments

0865032706
0865032706