Như chỉ hoa quỳnh có
Cái màu trắng ấy thôi
Màu trắng muốt thơ ngây
Chẳng lẫn vào đâu được
Đời của hoa thơm ngát
Con ong nào biết đâu
Hoa nở trong lặng lẽ
Âm thầm vào đêm sâu
……
(Trích thơ “Hoa Quỳnh” – Lâm Thị Mỹ Dạ)
THÔNG TIN CHUNG
Tên gọi: quỳnh
- Tên khoa học: Epiphyllum oxypetalum (DC.) Haw. Họ Xương rồng (Cactaceae).
- Tên khác: Phyllocactus (Anh).
Mô tả:
Cây nhỏ, không gai. Thân hình trụ, cứng, có vỏ màu nâu. Cành phân nhánh nhiều, có dạng dẹp màu lục nom như lá, phía giữa dày lên, có một đường sống rõ, mỏng dần về phía mép, mép lượn sóng, khía tròn.
Hoa to, màu trắng, mọc đơn độc, cong lên ở kẽ những vết khía của thân; lá bắc nhiều, hình vảy, hoa chỉ nở về đêm.
Mùa hoa: tháng 6 – 7.
Phân bố, sinh thái:
Cây Quỳnh có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ, sau được nhập trồng khắp các vùng nhiệt đới.
Ở Việt Nam, quỳnh là loại cây cảnh có từ lâu đời. Cây được trồng rải rác trong nhân dân, chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng và trung du hoặc ở vùng núi thấp. Cây ưa sáng, chịu hạn tốt do có phần thân và lá mọng nước. Ở các đô thị, người ta thường trồng ở ban công, hướng về phía tây hoặc tây nam. Cây chỉ ra hoa khi được chiếu sáng đầy đủ; hoa nở về đêm và chưa thấy có quả.
Quỳnh có khả năng tái sinh dinh dưỡng khỏe. Từ mỗi bộ phận của cây như một phần lá hay thân, cắm xuống đất, đều có khả năng nảy mầm.
Bộ phận dùng: Hoa và thân
Hoa thu hái khi nở, dùng tươi hoặc phơi khô
Thân thu hái quanh năm, dùng tươi.
Quản lý CITES: Không
Tính vị quy kinh: Hoa có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tiêu viêm, cầm máu.
Thân có vị chua và mặn, tính mát, có tác dụng tiêu viêm. Toàn cây có tác dụng thanh phế, trừ ho, hóa đàm.
Công dụng:
Hoa quỳnh thường được dùng chữa lao phổi với ho ra máu, tử cung xuất huyết, viêm họng. Dùng 3 – 5 hoa, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, thân giã nhỏ và đắp lên chỗ đau trị đinh nhọt.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), toàn cây quỳnh được dùng trị đòn ngã tổn thương, đau tâm vị, thổ huyết, phổi kết hạch.