Rau sam là loài cây thông dụng được tìm thấy khắp nơi trên thế giới. Ở Mỹ, nó thường được coi là một mối phiền toái. Nhưng ở những nơi khác trên thế giới, nó thường được dùng trong bữa ăn hoặc dùng làm thuốc. Ở Mexico, nó được gọi là verdolaga và có trong công thức nấu ăn . Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, rau sam được biết đến như một loại “rau trường thọ”. Ở Việt Nam, rau sam còn hơn cả một loài rau, chúng là loài cây dược liệu quý từ ngàn đời nay của người dân nước Nam, rất thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Hãy cùng Thảo dược Manna tìm hiểu thông tin nhé. |
Thông tin chung
Tên gọi: Rau sam
- Tên khoa học: Portulaca oleracea L. họ Rau sam (Portulacaceae).
- Tên khác: Mã xỉ hiện – Mã xỉ thái (Trung Quốc), Purslane Herb (Anh).
Bộ phận dùng: Cả cây (phần trên mặt đất) tươi hoặc đã phơi khô của rau sam (Herbal Portulacae Oleraceae).
Mô tả cây: Cây thảo, mọc bò xòe ngang mặt đất, thân, lá mập, thân màu đỏ tím, nhạt, lá dày, không cuống, hình răng ngựa (vì vậy tiếng Trung Quốc gọi là Mã xỉ), phiến lá phía cành thân nhỏ hơn, phía đầu rộng hơn. Hoa màu vàng mọc ở đầu cành, quả nang hình cầu, mở bằng một nắp, trong chứa nhiều hạt nhỏ, đen bóng. Cây mọc hoang nơi ẩm thấp, khắp các địa phương, nhiều nước trên thế giới đều có. Ở Hà Nội ra hoa khoảng tháng 8. Ở nước ta chưa thấy ở đâu trồng. Nhân dân vẫn nấu canh rau sam ăn cho mát.
Phân bố: Ở khắp nơi trên cả nước.
Quản lý CITES: Không.
Thu hái, chế biến: Thu hoạch mùa hè khi cây đang xanh tốt, rửa sạch đất, bỏ rễ và tạp chất, dùng tươi hoặc chế biến khô. Muốn chế biến khô có thể đồ qua hơi nước (thời gian ngắn), hoặc nhúng thật nhanh vào nước sôi rồi phơi nắng ở nhiệt độ dưới 50ºC.
Thủy phân dưới 14%, tạp chất dưới 1%.
Thành phần hóa học, công dụng
Thành phần hóa học: Trong rau sam các chất glucosid, saponin, nhựa, acid hữu cơ, các muối Kali (cây tươi chứa 1%), các vitamin A, B₁, B₂, PP, C. Ngoài ra còn có các hydrat carbon, chất béo, protid, …
Theo tác giả Lâm Khải Thọ, trong rau sam còn có một ít noradrenalin, có tác dụng như ephedrin.
Công dụng: Theo Đông y, rau sam vị chua, tính lạnh, quy vào 3 kinh Tâm, Tỳ, Phế.
Có tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, tiêu thủy, trừ thấp, cầm máu. Trên thực nghiệm (dược lý) rau sam có tác dụng làm co nhỏ mạch máu. Nước sắc rau sam có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn lỵ Shiga-Kruse, vi khuẩn lỵ hình Y, trực khuẩn coli, trực khuẩn thương hàn.
Rau sam được dùng chữa các bệnh: Lỵ do vi khuẩn, lỵ ra máu, viêm ruột cấp tính, viêm thận, cước khí, thủy thũng, đái khó khăn, viêm bàng quang, ho, ho gà, ho lâu ngày, giun kim, giun đũa.
Rau sam được dùng chữa các bệnh ngoài da: mụn nhọt, lở ngứa, chốc đầu, eczema, trĩ ra máu. Phụ nữ bạch đới (khí hư), chảy máu tử cung.
Tính vị
- Vị chua, tính lạnh.
Quy kinh
- Vào kinh Tâm, Tỳ và Phế.
Liều dùng: 30g – 60g tươi hoặc 15g – 20g khô.
Dùng ngoài da, đắp chỗ ngứa, lở chốc đầu: lượng vừa đủ.
Lưu ý: Người tỳ vị hư hàn, ỉa chảy không dùng.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng mát.
Bài thuốc dân gian
Bài 1: Chữa lỵ trực khuẩn
- Thành phần: Rau sam tươi (50g)/ khô (25g), Vằng đắng/ Hoàng liên (6g).
- Cách dùng: Sắc uống.
Có thể dùng rau sam kết hợp với viên Berberin.
Bài 2: Chữa giun kim
- Thành phần: Rau sam tươi (50g).
- Cách dùng: Rửa sạch, giã vắt kỹ, lấy nước uống (hoặc xay máy sinh tố). Uống liền trong 3 – 5 ngày. Có thể dùng thêm đường cho vừa miệng.
Bài 3: Chữa viêm thận cấp
- Thành phần: Rau sam tươi (50g), Biển súc – rau đắng (30g), Hoàng bá (10g).
- Cách dùng: Sắc uống.