Cây hoa súng có nguồn gốc từ Ấn Độ và thậm chí là quốc hoa của Bangladesh. Ngoài màu sắc rực rỡ giúp không gian sống thêm tươi mới, đem lại nhiều ý nghĩa về mặt phong thủy, thì cây hoa súng còn là một vị thuốc được sử dụng từ lâu đời với nhiều tác dụng chữa bệnh. Đặc biệt là tác dụng giúp xoa dịu thần kinh, kháng viêm rất tốt.
THÔNG TIN CHUNG
Tên gọi: Súng
- Tên khoa học: Nymphaea stellata Willd.. Họ Súng (Nymphaeaceae).
- Tên khác: Water lily, inchan lotus, blue water lily, củ súng, súng lam.
Mô tả:
Cây thảo, sống ở nước. Thân rễ ngắn mang nhiều củ nhỏ. Lá to, mọc nổi trên mặt nước, hình tim tròn, dài 13cm, rộng 7 – 10cm, đầu tù, mép hơi lượn sóng, mặt trên màu lục, mặt dưới tía; cuống lá mảnh rất dài.
Hoa to, đường kính 3 – 15cm, mọc đơn độc, màu xanh lơ nhạt, trắng hoặc tím; lá đài 4, gần bằng cánh hoa; cánh hoa 10 – 30 không đều; nhị 10 – 50, bao phấn có một phần không sinh sản ở đầu.
Quả ít gặp.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 6.
Loài súng sen hay súng đỏ (Nymphaea lotus L.) có hoa màu đỏ, chưa thấy được dùng làm thuốc.
Phân bố, sinh thái:
Chi Nymphaea L. gồm khoảng 10 loài, sống ở nước, phân bố rải rác khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam có 4 loài, 2 loài là cây nhập trồng làm cảnh.
Súng là loại cây nhiệt đới cổ, phân bố tập trung ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, từ Nam Trung Quốc đến Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ và một số nước khác. Ở Việt Nam, súng mọc tự nhiên nhiều ở hầu hết các ao hồ, đồng chiêm trũng hay kênh rạch, nơi nước lặng và nông. Phần thân ngầm (gốc và các rễ củ) nằm sâu dưới lớp bùn, lá mọc nổi trên mặt nước để hô hấp và quang hợp, độ dài của cuống lá phụ thuộc vào độ sâu của nước. Tuy nhiên, sự phát triển của cuống lá cũng chỉ có giới hạn; ở những nơi nước sâu trên 1,5m ít khi thấy có cây mọc. Súng ra hoa nhiều hàng năm nhưng ít khi đậu quả. Cây có khả năng đẻ nhánh khỏe từ gốc. Phần cuống non của hoa và rễ củ (tròn) ăn được.
Cách trồng:
Cây súng sống ở ao, hồ, kênh, rạch, mương, máng, bồn nước, được trồng làm cảnh.
Cây được nhân giống bằng thân rễ (củ) hoặc bằng hạt. Về mùa xuân, khi ao hồ cạn nước, chỉ cần dùng một đoạn thân rễ có mầm cấy xuống bùn. Sang mùa hè, cây nhanh chóng đẻ nhánh, mọc lan thành vạt. Hạt súng nảy mầm thích hợp ở nhiệt độ 21ºC – 27ºC, gieo sâu 2,5cm trong cát rồi tháo nước ngập 7 – 10cm. Cây con được trồng như trên. Còn dùng cây con mọc biểu sinh trên lá súng để trồng. Súng không đòi hỏi chăm sóc, chỉ cần luôn ngập nước nhưng không quá sâu, có bùn và nước phải sạch.
Bộ phận dùng:
Thân rễ, thu hái quanh năm, phơi khô. Hoa hái khi mới nở, dùng tươi.
Quản lý CITES: Không
Thành phần hóa học:
Hoa súng chưa polysaccharide gồm D-xylose 64,5% và L-arabinose 35,5%. Thân rễ khô chứa nước 4,2%, chất béo 0,45%, protein 14,56%, carbohydrate 67,49%, chất xơ 5,45%, tro 7,85%.
Hạt chứa nước 5,4%, chất béo 1,3%, protein 11,31%, carbohydrate 70,59%, chất xơ 7,45%, tro 3,95%.
Ngoài ra cây súng còn có nupharin, một hợp chất oestrogen (Võ Văn Chi, 1997).
Tác dụng dược lý:
Theo tài liệu nước ngoài, cao chiết cồn từ quả súng được thử thấy có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ sốt và ức chế hệ thần kinh trung ương.
Tính vị quy kinh:
Thân rễ súng có vị nhạt, hơi ngọt, bùi, hơi béo, chát, tính bình, quy vào 2 kinh Tỳ và Thận, có tác dụng sáp tinh là dịu dục tình, cường tráng thu liễm, gây ngủ.
Công dụng:
Thân rễ súng được dùng chữa các trạng thái kích thích tình dục như cương đau dương vật, mộng tinh, hoạt tinh hoặc bạch đới, bạch trọc, chứng mất ngủ, hội chứng bồn chồn, tim đập mạnh, viêm bàng quang, viêm thận đau lưng, mỏi gối, lỵ. Ngày dùng 30g sắc uống.
Hoa súng (1 – 2g) sắc uống để gây ngủ và chữa tim hồi hộp. Lá súng phối hợp với các vị thuốc khác chữa sốt rét, sốt phát ban.
Ở Ấn Độ, thân rễ súng, tán bột, uống chữa đầy hơi, tiêu chảy và trĩ.
Kiêng kỵ: Người đại tiện táo bón, tiểu tiện bí, không dùng củ súng.
Hoa súng không chỉ đẹp mà còn có nhiều tác dụng sức khỏe
BÀI THUỐC DÂN GIAN
Bài 1: Chữa thần kinh suy nhược, di tinh hoạt tinh, lỵ mãn tính, viêm ruột mãn tính (Thủy lục nhị tiên đơn).
Củ súng cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sao vàng, tán bột; quả kim anh, cạo hết gai, bổ đôi, nạo sạch hạt và lông, sao vàng, tán bột. Trộn hai bột với lượng bằng nhau, thêm mật làm viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 – 5g với nước nóng.
Bài 2: Thuốc bổ thận
- Thành phần: Củ súng (40g), Thục địa (50g), Thạch hộc (30g), Hoài sơn (30g), Táo nhân (20g), Tỳ giải hoặc Thổ phục linh (20g).
- Cách làm: Thục địa thái mỏng, chưng cách thủy cho mềm, tán nhuyễn. Các dược liệu khác phơi khô sao vàng, tán bột mịn, rồi trộn với thục địa và mật ong làm viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g.
Bài 3: Chữa cảm, nhất là cảm nắng
Củ súng phơi khô, nấu với nước 2 lần rồi cô thành cao uống.