TÁC DỤNG BỔ THẬN TRÁNG DƯƠNG, CƯỜNG CÂN TRÁNG CỐT ĐẾN TỪ DÂM DƯƠNG HOẮC

 

Từ bao đời nay, các cụ bô lão vẫn truyền tai nhau rằng: “lên rừng lấy cái lá cây mà con dê chọn ăn mỗi khi đến mùa động dục, lá đó đem về ngâm rượu hoặc pha trà, sắc uống đều được, làm cho cơ thể khỏe mạnh, gân cốt vững chắc và con cháu đầy nhà”. Đặc biệt hơn, đây cũng là vị thuốc thường có trong các bài thuốc mà các quý anh chọn dùng mỗi khi cần tăng cường “bản lĩnh đàn ông” của mình. Hãy cùng Thảo dược Manna (Mannaherbal) tìm hiểu nhé.

 

THÔNG TIN CHUNG

Tên gọi: Dâm dương hoắc

  • Tên khoa học: Epimedium sagittatum (Sieb. t Zucc.) Maxim. Họ Hoàng liên gai (Berberidaceae).
  • Tên khác: Dâm dương hoắc lá mác.

Bộ phận dùng: 

Phần trên mặt đất của một số loài dâm dương hoắc thu hái vào mùa hè – thu lúc cây mọc xanh tốt. Loại bỏ tạp chất, phơi nắng hoặc phơi trong râm (Dược điển Trung Quốc 1997, bản tiếng Anh).

Dâm dương hoắc thường được chế biến như sau: đun nhẹ lửa mỡ dê (20g) đã được tinh chế đến khi chảy lỏng, gạn bỏ tóp mỡ, cho dâm dương hoắc (100g) đã thái nhỏ vào đảo cho thấm hết mỡ dê, sao đó sao khô.

Mô tả cây: 

Cây thảo, sống lâu năm, cao 30 – 40 cm. Thân rễ cứng, có nhiều rễ con. Lá kép, 1 – 3 cái, mọc từ gốc, gồm 3 lá chét hình mác dạng trứng, dài 4 – 9 cm. Gốc hình tim có hai tai lệch nhau, đầu thuôn nhọn sắc, mép có lông nhỏ, cuống lá mảnh, dài khoảng 15 cm.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân trên một cuống dài 7,5 cm, thành dạng ngù hay chùy tròn, hoa có 8 lá dài xếp thành hai vòng, lá đài ở vòng ngoài nhỏ, mặt ngoài có đốm tím, lá đài ở vòng trong màu trắng, giống như cánh hoa; cánh hoa màu trắng; nhị 4.

Quả hạch, hình trứng, có nhiều hạt.

Những loài khác cũng được sử dụng như Epimedium macranthum Morr. et Decne (Dâm dương hoắc hoa to), E. brevicornum Maxim (Dâm dương hoắc lá nhỏ hoặc dâm dương hoắc lá hình tim), E. pubescens Maxim, E. wushanense TS. Ying và E. koreanum Nakai.

Phân bố: 

Chi Epimedium gồm một số ít loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới Đông Á. Ở Trung Quốc, có 3 loài thường được khai thác sử dụng là E. brevicornum Maxim., E. koreanum Nakai và E. sagittatum (Sieb. et Zucc.) Maxim. Ở Việt Nam có 2 loài đã được thu hái, có thể là E. macranthum Morr et Decne và E sagittatum (Sieb. et Zucc.) Maxim. Chúng mọc ở vùng núi cao trên 1500m như Sapa, Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai); Sìn Hồ (Lai Châu); Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc (Hà Giang).

Dâm dương hoắc là cây ưa ẩm, chịu bóng; thường mọc lẫn với các loại cỏ, cây bụi thấp ở sườn núi, ven rừng, nhất là những nơi gần nguồn nước. Cây mọc rải rác từng khóm riêng rẽ, đôi khi thành đám nhỏ, ra hoa vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu; đến mùa đông, phần trên mặt đất có thể tàn lụi. Hàng năm, từ tháng 2 đến tháng 4 có thể thấy cây non mọc từ hạt. Một số cây trồng thử trong vườn có mái che ở Trại thuốc Sapa dường như không bị tàn lụi trong mùa đông.

Dâm dương hoắc là cây thuốc thuộc diện quý hiếm ở Việt Nam, cần chú ý bảo tồn.

Quản lý CITES: Nằm trong phụ lục IA thuộc Nghị định 84/2021/NĐ-CP ra ngày 22/9/2021.

Cây Dâm dương hoắc

Thành phần hóa học:

Thành phần chủ yếu trong các loài dâm dương hoắc là prenylflavon glycosid. Loài E. brevicornum chứa khoảng 4,5% flavonoid glycosid, icaritin, icarisid.

Loài E. koreanum: epimedosid A, epimedin A, epimedin B, epimedin C, sagittatosid A, sagittatosid B, anhydro icaritin – 3 – O – rhamnosid.

Tác dụng dược lý:

  1. Tác dụng với hệ tim mạch: Nước sắc âm dương hoắc (20%) trên tiêu bản cô lập tim mạch vành chuột lang dùng với liều 0,5ml cho thẳng vào dịch truyền có tác dụng làm tăng lưu lượng mạch vành 132,1% so với thời điểm trước lúc dùng thuốc.

Trên cho gây mê mở lồng ngực, nước sắc dâm dương hoắc tiêm tĩnh mạch với liều 1g dược liệu/ kg thân trọng, làm lưu lượng mạch vành tăng 112,2% và kéo dài trong vòng 20 – 60 phút, đồng thời trở kháng mạch vành giảm.

Dạng chiết dâm dương hoắc trên mô hình cơ tim thiếu máu ở chuột cống do chế phẩm thùy sau tuyến yên gây nên thể hiện tác dụng bảo vệ cơ tim rõ rệt.

  1. Ảnh hưởng đối với hệ miễn dịch: Flavonoid toàn phần chiết từ dâm dương hoắc, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng tiêm dưới da với liều 25mg và 50mg/kg dùng liên tục trong 7 ngày, có tác dụng gia tăng lượng kháng thể hemolysin huyết thanh, tăng số lượng tế bào hình thành kháng thể ở lách, thúc đẩy sự chuyển dạng tế bào lympho và tăng cường tác dụng thực bào của các đại thực bào.
  2. Ảnh hưởng đối với tế bào tủy chuột nhắt: Trên môi trường nuôi cấy tế bào tủy ngoài cơ thể, chất polysaccharide của dâm dương hoắc với các liều 10, 25, 50 và 100 μg, có tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào tủy.
  3. Tác dụng nội tiết sinh dục: Dâm dương hoắc dùng sống và dâm dương hoắc đã qua bào chế đối với chức năng sinh dục có tác dụng không giống nhau. Dâm dương hoắc qua bào chế thí nghiệm trên chuột nhắt trắng đực cho thuốc vào dạ dày với liều 15g/kg, dùng liên tục trong 10 ngày có tác dụng làm tăng lượng testosterone trong máu và tăng trọng lượng cơ nâng hậu môn, còn dâm dương hoắc dùng sống không có tác dụng nâng cao khả năng sinh dục, trái lại làm giảm lượng testosterone và trọng lượng cơ nâng hậu môn.

Trong một nghiên cứu trên lâm sàng, nước sắc của lá dâm dương hoắc dùng điều trị cho 14 bệnh nhân giảm bạch cầu có 3 người khỏi bệnh và 9 người có tiến bộ rõ rệt, lượng bạch cầu tăng từ 2440 ±992/mm³ lên 4060±966/mm³.

Tính vị, quy kinh:

Dâm dương hoắc có vị ngọt, tính ôn, quy vào các kinh can, thận; có tác dụng bổ thận tráng dương, khu phong, trừ thấp, cường gân cốt.

Công dụng: 

Dâm dương hoắc được dùng làm thuốc bổ thận, mạnh gân cốt, chữa liệt dương, bại liệt, bán thân bất toại, phong thấp tỳ thống, bệnh mạch vành, cao huyết áp, thiếu máu, giảm tiểu cầu, viêm thận.

Ngày dùng 10 – 12g, dưới dạng thuốc sắc, ngâm rượu.

BÀI THUỐC DÂN GIAN

Bài 1: Chữa liệt dương

  • Thành phần: Dâm dương hoắc (125g), tiên mao (125g), Ngũ gia bì (125g), Nhãn (bỏ hạt, 100 quả).
  • Cách dùng: Ngâm rượu trắng (1500 – 2000ml), trong 20 ngày, ngày 2 lần, mỗi lần uống 20-30ml.

Bài 2: Chữa xuất tinh sớm, lưng gối mỏi đau, chân tay mỏi, đái dắt

  • Thành phần: Dâm dương hoắc (500g), Phá cố chỉ (500g), Thục địa (500g), Hoài sơn (500g), Ngưu tất (500g), Hồ lô ba (500g), Thỏ ty tử (500g), Ba kích thiên (500g), Ích trí nhân (500g), Phục linh (500g), Sơn thù nhục (500g), Trầm hương (60g), Nhục thung dung (2500g), Lộc hươu (500g).
  • Cách dùng: Tất cả nghiền nhỏ, trộn với mật làm thành viên bằng hạt đậu, mỗi lần uống 10g. Ngày 2 lần.

Bài 3: Chữa cao huyết áp trong thời kỳ mãn kinh của phụ nữ

  • Thành phần: Dâm dương hoắc (9g), Tiên mao (9g), Ba kích (9g), Tri mẫu (9g), Hoàng bá (9g).
  • Cách dùng: Sắc uống, ngày 01 thang.

Bài 4: Thuốc bổ thận cho người cao tuổi

  • Thành phần: Dâm dương hoắc (1,5g), Tiên mao (1,5g), Tang thầm (1,5g), Tử hà xa (1,5g), Hoài sơn (1,5g), Thỏ ty tử (1,5g), Hoàng tinh (1,5g), Thục địa (1,5g), Sơn thủ nhục (12g), Thận dê (2 quả).
  • Cách dùng: Nấu nhừ, ăn cả cái lẫn nước, làm 2 – 3 lần trong ngày.

Bài 5: Chữa thận dương suy yếu, liệt dương di tinh, lưng gối đau mỏi, phong thấp tỳ thống

  • Thành phần: Dâm dương hoắc (100g), rượu trắng (500ml).
  • Cách dùng: Dược liệu chặt nhỏ, bọc trong vải gạc, ngâm rượu trong 2 tuần. Mỗi lần uống 10ml, ngày 2 lần.

Dược liệu lá Dâm dương hoắc

Leave Comments

0865032706
0865032706