Vị thuốc Đan sâm có mặt trong nhiều phương thuốc Y học cổ truyền bởi tác dụng sức khỏe đa dạng của nó. Đây cũng là loài cây dược liệu quen thuộc từ bao đời nay. Càng ngày, giá trị dược liệu của Đan sâm càng được khẳng định nhiều hơn. Hãy cùng Thảo dược Manna (Mannaherbal) tìm hiểu về cây thuốc quý này nhé.
THÔNG TIN CHUNG
Tên gọi: Đan sâm
- Tên khoa học: Salvia miltiorrhiza Bunge. Họ Bạc hà (Lamiaceae).
- Tên khác: Đơn sâm, xích sâm, huyết sâm.
Mô tả:
Cây thảo, sống lâu năm, cao 30 – 80cm. Rễ mảnh có đường kính 0,5 – 2cm, phân nhánh nhiều, màu đỏ nâu. Thân hình trụ, có 4 cạnh và lông mềm. Lá mọc đối, kép lông chim lẻ, 3 – 5 lá chét, đôi khi 7, hình trứng hoặc trái xoan, dài 2 – 7cm, rộng 0,8 – 5cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa tròn, hai mặt phủ lông trắng mềm, dày hơn ở mặt dưới, gân lá chằng chịt thành mạng lưới, làm phiến lá như bị rộp lên, lá chét tận cùng lớn hơn; cuống lá dài.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành bông gồm nhiều vòng sít nhau ở ngọn, mỗi vòng có 3 – 10 hoa màu lơ tím nhạt, đài chia 2 môi, môi trên nguyên, môi dưới xẻ 2 thùy; tràng 2 môi, môi trên dài hơn ống tràng và cong hình lưỡi liềm, môi dưới chia 2; nhị 3.
Quả bế nhỏ, đầu tù, dài 3mm.
Mùa hoa: tháng 5 – 8; mùa quả: tháng 6 – 9.
Phân bố, sinh thái:
Salvia L. là một chi lớn trong họ Lamiaceae, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam có 4 – 5 loài, trong đó đan sâm là cây nhập nội.
Cây đan sâm trồng ở nước ta có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cây trồng ở Trại thuốc Sapa (Viện dược liệu) tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới vùng núi cao. Cây sinh trưởng phát triển tương đối tốt; ra hoa quả hàng năm; hạt giống thu được đã gieo đi gieo lại nhiều năm. Một số cây đưa xuống Trại thuốc Tam Đảo (Viện Dược liệu) sinh trưởng kém hơn. Đan sâm chưa được đưa vào sản xuất. Những cây còn lại ở Sapa chỉ có ý nghĩa để giữ giống.
Cách trồng:
Đan sâm là cây thuốc nhập nội, ưa khí hậu nóng và ẩm, được trồng chủ yếu ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Cây được nhân giống bằng rễ củ, Khi thu hoạch chọn những củ có da màu đỏ, đường kính trên dưới 1cm, không bị xây xát, thối, dập, cắt ra thành từng đoạn, dài 2 – 2,5cm, giâm trong cát ẩm hoặc vườn ươm, đến khi nảy mầm thì đánh đi trồng. Đất vườn ươm phải làm thật nhỏ, tơi xốp, lên thành luống. Các đoạn củ giống được rải đều trên mặt luống, phủ kín đất, sau đó phủ một lớp rơm, rác và tưới ẩm hàng ngày. Từ khi giâm đến khi nảy mầm, mất khoảng 30 – 40 ngày.
Đan sâm trồng tốt nhất vào tháng 2 – 3 để đến tháng 11 – 12 thu hoạch.
Đất trồng cần chọn đất phù sa, đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều màu, cao ráo, thoát nước. Sau khi cày bừa kỹ, cần lên luống cao 20 – 25cm, rộng 90 – 120cm, rãnh phải dốc để dễ thoát nước. Dùng 15 – 20 tấn phân chuồng ủ với 1,4 – 2,8 tấn tro bếp, 270kg supe lân để bón lót cho một hecta. Tốt nhất, nên bón theo hốc để tiết kiệm phân và hạn chế cỏ dại. Hốc được chuẩn bị với khoảng cách 30x30cm. Sau đó, đặt mầm giống, lấp đất và tưới giữ ẩm.
Đan sâm thường trồng trên đất tốt, đủ ẩm nên cỏ dại mọc nhiều. Mỗi hom giống thường mọc ra rất nhiều mầm. Cần tỉa bớt, mỗi gốc chỉ giữ lại 2 – 3 mầm. Khi cây tốt chú ý tỉa bớt lá già. Về mùa hè, cây ra hoa, kịp thời ngắt bỏ ngồng hoa để tập trung dinh dưỡng nuôi củ.
Đan sâm thường bị các loại sâu thông thường hại lá. Bệnh thường gặp là héo lá, thối củ, rỉ sắt. Cần phát hiện và phòng trừ kịp thời.
Bộ phận dùng: Rễ đan sâm phơi hay sấy khô.
Quản lý CITES: Không
Cây Đan sâm
Thành phần hóa học:
- Phenol và acid phenolic: danshensu, acid rosmarinic, acid rosmarinic methyl ester, các acid salvianolic A, B, C, G, acid lithospermic, acid lithospermic dimethyl ester.
- Các hợp chất diterpen: Miltiron, salviol, Ro 09 – 0680, feruginol, dehydromiltiron, miltiodiol, miltionon, danshenspirocetal lacton, epi-danshenpirocetal lacton, tanshinon I, tanshinon IIA, tanshinon IIB, methyltanshinonat, hydroxy tanshinon IIA, ctyptotanshinon, dihydro tanshinon I, przewaquinon A, przewaquinon B, miltionn II, tanshinlacton, isocryptotanshinon, isotanshinon I, isotanshinon IIA, danshenxinkun D, silvilenon.
3 Các thành phần khác: 𝞫 – sitosterol, tanin, vitamin E.
Tác dụng dược lý:
Cao rễ đan sâm có tác dụng trên rối loạn vi tuần hoàn gây bởi noradrenalin ở túi má chuột hang (hamster), làm giãn tiểu động mạch và tăng tốc độ vi tuần hoàn. Cũng nhận xét thấy tác dụng tương tự ở vi tuần hoàn tĩnh mạch và mao mạch. Tiêm dẫn chất tanshinon II natri sulfonat của hoạt chất tanshinon 1mg/kg vào đầu phía xa của động mạch vành đi xuống, ở xa chỗ tắc, làm giảm có ý nghĩa kích thước của nhồi máu cơ tim cấp tính 24h sau khi cho thuốc. Kích thước vùng thiếu hụt mạch giảm đáng kể hoặc mất đi. Tác dụng tốt của tanshinone II natri sulfonat trên thiếu máu cục bộ của tim có liên quan với sự thúc đẩy mở nhanh những nhánh mạch vành. Thử nghiệm lâm sàng trên 180 bệnh nhân có bệnh mạch vành tim chứng tỏ chất nêu trên có tác dụng cải thiện bệnh trên điện tâm đồ cũng như về lâm sàng đối với đau thắt ngực và tức ngực.
Tanshinon II natri sulfonat có tác dụng in vitro ổn định màng hồng cầu, làm tăng sức kháng của hồng cầu đối với sự tan huyết gây bởi dung dịch nhược trương, nhiệt lượng, pH thấp hoặc saponin. Không nhận xét thấy tác dụng độc ở chuột nhắt và chuột cống trắng sau khi cho uống hoặc tiêm dưới da cao đan sâm. Cao đan sâm có tác dụng hạ sốt ở thỏ, chống viêm ở chuột cống trắng có viêm khớp nhiễm khuẩn và ở chuột nhắt trắng có viêm tai gây bởi dầu bã đậu. Ngoài ra, những sắc tố có liên quan với tanshinon có hoạt tính kìm vi khuẩn chống tụ cầu khuẩn vàng và những chủng kháng với kháng sinh của vi khuẩn này và chống Mycobacterium sp. Tuy nhiên, những sắc tố này gắn vào protein huyết tương với mức độ khác nhau, làm giảm có ý nghĩa hoạt tính kìm vi khuẩn.
Chất acid 3,4-dihydroxyphenylacetic (danshensu) trong rễ cây đan sâm gây giãn động mạch vành lợn cô lập và đối kháng với đáp ứng co mạch gây bởi morphin và propranolol. Những tương tác này có tầm quan trọng thực tiễn khi có thể dùng morphin hoặc propranolol phối hợp với danshensu để điều trị cơn đau thắt ngực nặng. Mặt khác, danshensu có tác dụng đối kháng với đáp ứng co động mạch vành gây bởi môi trường có nồng độ cao kali. Nước sắc rễ đan sâm còn làm giảm lượng GPT huyết thanh tăng cao và giảm những biến đổi bệnh lý ở thỏ có thương tổn gan cấp tính gây bởi carbon tetraclorid. Trong thử nghiệm lâm sàng, thuốc này cũng có tác dụng phục hồi chức năng gan và dự phòng xơ hóa gan.
Đã nghiên cứu tác dụng của nhân sâm trên tính biến dạng của hồng câu. Ủ hồng cầu của 16 người cho máu trong dung dịch cao đan sâm ở những nồng độ khác nhau trong 1 giờ ở 37,5ºC. Sau đó, những dịch treo loãng của hồng cầu đã ủ với thuốc và hồng cầu đối chứng chịu tác động của lực kéo với mức độ tăng dần trong một máy điện nghiệm. Kết quả cho thấy sự tăng có ý nghĩa về tính kéo dãn (10-20%), và sự phục hồi hình dạng của hồng cầu ủ với đan sâm nhanh hơn (7-25%). Các thành phần trong đan sâm: Miltiron và salvinon có tác dụng bảo vệ cơ tim chống lại những rối loạn về chức năng và chuyển hóa gây bởi thiếu hụt oxy.
Một bài thuốc Trung Quốc gồm đan sâm, xuyên khung, nụ hòe và một số vị khác được áp dụng điều trị huyết khối não trên bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy thuốc có xu hướng làm giảm độ nhớt của máu, độ nhớt của huyết thanh, tỷ lệ thể tích huyết cầu và tỷ lệ % kết tập tiểu cầu và làm tăng tốc độ điện di hồng cầu. Nghiên cứu độc chất học cho thấy thuốc có tính an toàn, không có tác dụng phụ đáng kể. Nghiên cứu có ảnh hưởng trên sự phục hồi của lực co của tim sau sự giảm oxy không khí thở vào ở tim chuột cống trắng cho thấy, khi cho tác động trên tim hợp chất phân lập từ đan sâm 3-alpha-hydroxy methylene tanshinquinon với 500 µM, đã nhận xét thấy sự phục hồi 16% của lực co sau sự giảm oxy máu thở vào, trong khi không thấy có sự cải thiện ở tim chuột cống trắng được truyền với một số hợp chất khác của đan sâm.
Tất cả các thành phần của đan sâm đều ức chế sự peroxy – hóa lipid gây bởi NADPH-vit C và Fe²⁺ – cysteine ở những tiểu thể não, gan và thận chuột cống trắng in vitro . Thứ tự của tác dụng ức chế là: acid salvianolic A, acid salvianolic B, và acid rosmarinic. Tác dụng ức chế sự peroxy – hóa lipid gây bởi NADPH-vit C mạnh hơn sự peroxy hóa lipid gây bởi Fe²⁺ – cysteine. Ngoài ra, 3 hợp chất trên làm giảm sản sinh gốc anion superoxide (O₂) trong hệ xanthine xanthine oxidase. Thứ tự của hoạt tính này tương tự như thứ tự về chống peroxy-hóa lipid, cho thấy hoạt tính mạnh in vitro chống peroxy-hóa lipid của các thành phần của đan sâm có thể một phần do thu nhặt loại bỏ những anion superoxide.
Áp dụng liệu pháp ion hóa với nước sắc đan sâm, huyền hồ (radix Corydalis) ở vùng trước tim cùng với dung dịch acid nicotinic trong điều trị chứng đau vùng trước tim trên 36 bệnh nhân. Kết quả điều trị tốt ở 52,8% bệnh nhân dùng liệu pháp trên, so với 23,3% ở nhóm bệnh nhân đối chiếu dùng thuốc chữa giãn mạch và hạ lipid máu uống thông thường. Bình thường lượng catecholamin trong nước tiểu tăng lên ở bệnh nhân có hội chứng nhiệt và giảm ở bệnh nhân có hội chứng hàn. Nhưng khi điều trị với bài thuốc cổ truyền có đan sâm, hoàng kỳ, vân mộc hương, cam thảo và riềng, catecholamin lại giảm ở người có hội chứng nhiệt và tăng ở người có hội chứng hàn. Sự điều chỉnh trạng thái này có vẻ là một trong những nguyên lý điều trị trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Những nghiên cứu lâm sàng cho thấy có mối liên quan giữa tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, trị ứ máu của đan sâm trong y học cổ truyền với sự chẩn đoán của y học hiện đại về tác dụng điều trị của bệnh tim mạch, viêm mạch tạo huyết khối nghẽn và huyết khối tắc mạch não. Đã điều trị 23 ca bệnh thần kinh ngoại biên đái tháo đường với thuốc tiêm bào chế từ đan sâm và sinh địa trong 14 lần. Sau điều trị, những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên được cải thiện có ý nghĩa. Liệu pháp này có thời gian điều trị gan và hiệu quả đáng kể. Cơ chế có thể là do sự cải thiện vi tuần hoàn.
Acid salvianolic A trong rễ đan sâm ức chế H⁺, K⁺ – ATPase và p-nitrophenyl phosphat ở dạ dày lợn. Acid salvianolic A có tác dụng ức chế cạnh tranh đối với ATP và không cạnh tranh đối với K⁺ Acid salvianolic A ức chế có ý nghĩa sự tiết acid ở dạ dày chuột cống trắng thắt môn vị và làm giảm có ý nghĩa thương tổn dạ dày gây bởi việc ngâm chuột trong nước và stress do gò bó. Như vậy, acid salvianolic A có hoạt tính chống tiết và chống loét có thể do ức chế H⁺, K⁺ ATPase ở dạ dày. Chất salviolon phân lập từ rễ tươi đan sâm biểu lộ hoạt tính độc hại tế bào. Đan sâm làm tăng tốc độ cử động của răng chỉnh hình lên 1,6 lần. Xét nghiệm mô học cho thấy sự tiêu xương ở phía chịu áp lực của răng cử động rõ rệt hơn ở nhóm động vật thử thuốc so với nhóm đối chứng.
Tính vị quy kinh: Đan sâm vị đắng, tính mát, quy vào 2 kinh Tâm, Can, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, tăng lưu thông máu, trục huyết ứ, kích thích ra kinh, tiêu sưng, giảm đau, thanh tâm, trừ phiền, làm đầu óc thanh thản.
Công dụng:
Đan sâm được dùng chữa bệnh tim, tâm hư phiền nhiệt, hồi hộp khó chịu, kinh nguyệt không đều, bế kinh, bụng dưới kết hòn cục, phong thấp các khớp sưng đau, thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ, chấn thương sai khớp, mụn độc, ghẻ lở. Còn dùng chữa vàng da, chảy máu tử cung, kinh nguyệt nhiều ít đều có tác dụng, vừa có tác dụng an thai, vừa cho ra thai chết, chữa mẩn ngứa. Ngày dùng 8 – 15g dạng thuốc sắc. Còn dùng chế thuốc xoa bóp.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, đan sâm là thuốc tăng cường tuần hoàn máu, làm hết ứ máu, chữa rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau kinh, đau nhói ở ngực và bụng, viêm đau khớp cấp, nhiễm khuẩn da, bồn chồn, mất ngủ, chứng to gan lách, đau thắt ngực. Liều dùng 9 – 15g rễ.
Thân rễ Đan sâm được dùng để làm thuốc
BÀI THUỐC DÂN GIAN
Bài 1. Chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu, phụ nữ sau đẻ mất máu (Thiên vương bổ tâm đan)
- Thành phần: Đan sâm (8g), Huyền sâm (12g), Địa hoàng (12g), Thiên môn (10g), Mạch môn (10g), Phục linh (8g), Viên chí (8g), Đương quy (8g), Bá tử nhân (8g), Toan táo nhân (8g), Ngũ vị tử (6g), Cát cánh (6g), Chu sa (0,6g).
- Cách dùng: Sắc uống (Chu sa gói riêng, uống cùng với thuốc đã sắc), ngày một thang. Hoặc tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20g.
Bài 2. Bài thuốc bổ (Tư can bổ thận)
- Thành phần: Đan sâm (400g), Đương quy (2000g), Hoài sơn (400g), Ngọc trúc (400g), Hà thủ ô đỏ (400g), Đơn bì (200g), Bạch linh (200g), Mạch môn (200g), Trạch tả (200g), Thanh bì (100g), Chỉ thực (100g), Thù nhục (100g).
- Cách dùng: Tán nhỏ, dùng mật ong hoặc si rô luyện thành viên hoàn nặng 5g, ngày uống 4 – 6 viên.
Bài 3. Chữa viêm khớp cấp
- Thành phần: Đan sâm (12g), Hy thiêm thảo (20g), Ké đầu ngựa (20g), Thổ phục linh (20g), Kim ngân (20g), Tỳ giải (16g), Kê huyết đằng (16g), Ý dĩ (12g), Cam thảo nam (12g).
- Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 4. Chữa tim hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai (Thiên vương bổ tâm)
- Thành phần: Đan sâm (12g), Sa sâm (12g), Thiên môn (12g), Mạch môn (12g), Thục địa (12g), Long nhãn (12g), Đảng sâm (12g), Toan táo nhân (8g), Viễn chí (8g), Bá tử nhân (8g), Ngũ vị tử (6g).
- Cách dùng: Sắc uống.