TÁO TA – TÁC DỤNG AN THẦN, TỐT CHO TIM MẠCH, LỢI TIỂU, CHỮA VIÊM PHẾ QUẢN

 

THÔNG TIN CHUNG

Tên gọi: Táo ta

  • Tên khoa học: Zizyphus mauritiana Lamk.. Họ Táo ta (Rhamnaceae).
  • Đồng danh: Zizyphus jujuba Lamk.
  • Tên khác: Táo chua, táo nhục, mác tảo (Tày), Jujube tree, common jujube, chinese date, indian plum (Anh).

Mô tả:

Cay to, cao 6 – 8m. Thân có vỏ nứt nẻ. Cành mọc lòa xòa, nằm ngang, cành non hình trụ, phủ một lớp lông mềm và dày; cành già nhẵn và có màu xám đen nhạt; gai mọc đơn độc, thẳng hoặc gai cặp đôi ngắn và cong. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc trái xoan, dài 2,5 – 7cm, rộng 1,5 – 5,5cm, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm, có lông dày, mặt dưới màu hung nhạt, mép khía răng, 3 gân ở gốc, nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá dài 7 – 10mm.

Cụm hoa là một xim mọc ở kẽ lá; hoa màu trắng nhạt; đài 5 răng hình tam giác nhọn, nhẵn ở mặt trong; có lông ở mặt ngoài, ống đài dài bằng răng đài; tràng 5 cánh hình bầu dục rộng, mép gập vào trong; nhị 5 dài bằng lá đài; bầu 2 ô, mỗi ô đựng một noãn.

Quả hạch, hình cầu, có vỏ nhẵn, khi chín màu vàng nhạt đến đỏ nâu, cùi quả dày và nạc; hạt rất cứng, hơi xù xì.

Mùa hoa quả: tháng 6 – 8.

Hiện nay, nhiều loại táo đã được nhập trồng, rất đa dạng về kích thước quả và hình dáng lá, có loại lá và quả tròn, loại lá và quả dài, loại quả to, quả nhỏ, quả hình bầu dục, hình cầu, hình trứng …

Phân bố, sinh thái:

Trong số các loài thuộc chi Zyzyphus Mill. có ở Việt Nam, táo ta là cây được trồng ở khắp nơi, trừ những vùng núi cáo có khí hậu cận nhiệt đới.

Táo ta có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Phi, sau được trồng ở nhiều nước nhiệt đới khác, từ các nước trong khối Ả Rập đến Ấn Độ và các nước vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, táo ta cũng đang tồn tại 2 quần thể mọc hoang dại và trồng. Hiện nay không rõ các cây táo ta được trồng từ xa xưa có phải được chọn lọc từ cây hoang dại hay do nhập nội. Trong khi đó, quần thể táo trồng gồm nhiều giống do lai ghép mà thành. Các giống táo trồng ở các tỉnh phía nam có dạng quả và thời vụ khác so với loài trồng ở miền bắc.

Táo là cây ưa sáng và ưa ẩm, sống ở các tỉnh phía bắc có hiện tượng rụng lá (hoặc chỉ rụng một phần) vào mùa đông. Mùa sinh trưởng mạnh trùng vào mùa mưa ẩm. Những cây mọc tự nhiên ở đồi hoặc xung quanh làng bản lại có khả năng chịu khô hạn. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Tỷ lệ nảy mầm của hạt khá cao; sau khi bị chặt đốn, phần gốc còn lại có khả năng tái sinh chồi khỏe.

Bộ phận dùng:

Hạt, lá, quả và ỏ cây. Khi dùng, đập vỡ vỏ hạt, lấy nhân (toan táo nhân) phơi khô.

Theo tài liệu nước ngoài, toan táo nhân là hạt chín đã được phơi hay sấy khô của Zizyphus jujuba Mill. var. spinosa (Dược điển Trung Quốc 1997, bản in tiếng Anh).

Ở Việt Nam, một số nơi dùng hạt táo ta từ nhiều nguồn gốc khác nhau để thay thế toan táo nhân.

Quản lý CITES: Không

Thành phần hóa học:

Trong 100g phần ăn được của quả táo Z. mauritiana mọc ở Thái Lan và Ấn Độ, có theo thứ tự nước 71.5 và 86g, protein 0.7 và 0.8g, chất béo 1.7 và 0.1g, carbonhydrat 23.7g và 12.8g, Ca 30 và 30mg, P30 và 30mg, vitamin A 50 và 70 đơn vị quốc tế, vitamin C 23 và 50 – 150mg.

Cũng từ loài Z. mauritiana, vỏ thân chứa mauritin A, mauritin B, amphibin D, frangufolin (Trung dược từ hải III, 1997). Ngoài ra còn có acid betulinic (CA 125: 317328 r).

Lá một loài táo ta ở Việt Nam chưa rutin. Ngoài ra, táo ta còn chưa polyphenol oxidase (CA 124: 28526 d). 

Táo ta – loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam

Tác dụng dược lý:

Hạt táo có những tác dụng dược lý sau:

  1. Tác dụng an thần gây ngủ: Nước sắc hạt táo thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường uống hoặc tiêm xoang bụng với liều 2,5g/kg và 5,0 g/kg đều biểu hiện rõ rệt tác dụng an thần gây ngủ. Bất kể thí nghiệm và ban ngày hay ban đêm, chuột ở trạng thái bình thường hoặc bị kích thích do dùng cafein, hạt táo cũng thể hiện tác dụng trên. Với các thuốc ngủ barbituric, hạt táo có tác dụng hiệp đồng. Dùng hạt táo liên tục trong nhiều ngày có hiện tượng quen thuốc, nhưng chỉ ngừng thuốc sau một tuần lễ, hiện tượng quen thuốc biến mất. Hạt táo dùng qua đường uống có tác dụng làm giảm số lần hình thành phản xạ có điều kiện, mở rộng phạm vi nội ức chế trong đại não, trên mèo có tác dụng ức chế hiện tượng thao cuồng do morphin gây nên. Hạt táo dùng sống hoặc sao đều có tác dụng an thần, nhưng dùng sống thì tác dụng yếu hơn, và nếu sao quá lâu, thành phần dầu trong nhân bị khô thì lại mất tác dụng. Do đó, có tác giả cho rằng tác dụng an thần của hạt táo có liên quan đến thành phần dầu trong nhân, lại có tác giả cho rằng tác dụng an thần có liên quan đến thành phần tan trong nước. Một tài liệu cho thấy các flavon C. glycosid như swertisin, spinosin và acylspinosin chiết tách được từ nhân hạt táo trên động vật thí nghiệm, có tác dụng an thần thuộc loại vừa. Trong đó swertisin có tác dụng mạnh nhất.
  2. Tác dụng giảm đau, kháng co giật và hạ nhiệt: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng dùng phương pháp gây đau bằng tấm kim loại nóng, hạt táo với liều 5g/kg tiêm xoang bụng có tác dụng giảm đau. Trên chuột nhắt trắng, nước sắc hạt táo uống hoặc tiêm đều có tác dụng hạ nhiệt, và đối kháng với co giật do strychnin gây nên, nhưng lại không có tác dụng đối với co giật do kích thích điện.
  3. Tác dụng đối với hệ tim mạch: Trên động vật thí nghiệm, hạt táo có tác dụng hạ huyết áp kéo dài, phong bế sự truyền dẫn trong cơ tim. Trên chuột cống trắng gây cao huyết áp bằng phương pháp bọc ép thận, hạt táo cho chuột ăn hàng ngày với lượng 20 – 30g/kg (ăn tự do) trước và sau phẫu thuật bọc ép thận, đều có tác dụng làm hạ huyết áp một cách rõ rệt.
  4. Tác dụng đối với vết bỏng: Trên chuột nhắt trắng gây bỏng thực nghiệm, hạt táo dùng đơn độc hoặc phối hợp với ngũ vị tử có khả năng nâng cao tỷ lệ sống sót của chuột bị bỏng, kéo dài thời gian sống, ngăn ngừa, làm chậm sự xuất hiện sốc và giảm phù nề cục bộ.
  5. Các tác dụng khác: Đối với tử cung chuột, hạt táo có tác dụng kích thích, nên khi dùng cho phụ nữ có thai phải hết sức thận trọng. Trên chó thí nghiệm, hạt táo không ức chế được hiện tượng nôn mửa do apomorphine gây nên.
  6. Độc tính: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, hạt táo dùng qua đường dạ dày với liều 150g/kg không xuất hiện các triệu chứng ngộ độc. Thí nghiệm trên chuột cống trắng ăn hạt táo dài ngày thấy độc tính mạn của thuốc rất thấp. Trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm xoang bụng liều gây chết 50% của hạt táo là L.D₅₀ = 14,3 ±2,0g/kg. Ngoài ra, theo tài liệu Nhật Bản, các dạng chiết bằng nước, cồn và thành phần acid béo chiết được từ hạt táo có tác dụng an thần. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, thuốc có tác dụng kéo dài thời gian gây ngủ của hexobarbital, ức chế hoạt động tự nhiên của chuột. Trên mô hình gây quặn đau bằng cách tiêm xoang bụng acid acetic, hạt táo có tác dụng làm giảm số lần xuất hiện các cơn quặn đau.

Lá táo đã được các tác giả Viện Dược liệu (Lê Hà, Lê Xuân, Trần Kim Lang) nghiên cứu trên thỏ, mèo và chuột cống trắng bằng dạng cao, thấy có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt, với liều 1g/kg tác dụng hạ huyết áp đạt 12% so với mức huyết áp ban đầu và kéo dài trong vòng 1 giờ, với liều 2g/kg tác dụng đạt 29% và kéo dài trong vòng 1 giờ rưỡi. Liều dùng càng cao, huyết áp càng hạ và thời gian hạ huyết áp càng kéo dài. Với những liều dùng trên, cao lá táo không ảnh hưởng đến hô hấp. Cơ chế tác dụng hạ huyết áp có thể do chế phẩm lá táo đối kháng với tác dụng tăng huyết áp của adrenalin. Về độc tính cấp, các tác giả trên đã xác định trên chuột nhắt trắng bằng đường uống, chế phẩm lá táo có L.D₅₀ = 450 g/kg. Về độc tính mạn, thí nghiệm trên thỏ cho uống với liều 10 g/kg dùng dài ngày (30 ngày), không gây nên những biến đổi bất thường về huyết học và công năng gan thận.

Ngoài ra, tác giả Nguyễn Thị Huệ và cộng sự (Viện Y dược học dân tộc) cũng khẳng định trên thực nghiệm cao lá táo dùng qua đường uống có độc tính thấp, gây hạ huyết áp nhẹ, làm giảm hiện tượng co mạch, làm co ruột nhẹ, tăng tốc độ di chuyển trong ruột, có tác dụng an thần nhẹ, lợi tiểu rõ rệt.

Tính vị quy kinh:

Toan táo nhân có vị chua, ngọt, tính bình, quy vào các kinh Tâm, Tỳ, Can; có tác dụng dưỡng can, ninh tâm, an thần, liễm hãn.

Công dụng:

Trong Y học cổ truyền, toan táo nhân được dùng điều trị chứng hư phiền khó ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, phiền khát, mồ hôi trộm. Dùng riêng nghiền thành bột uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng hàng ngày: 0,8 – 1,2g tương đương với khoảng 15 – 20 hạt. Nếu dùng liều cao (khoảng 6 – 10g) phải sao đen (có lẽ đây là một hình thức để giảm độc).

Theo kinh nghiệm dân gian, lá táo chữa hen. Năm 1967, Viện chống lao Hà Nội đã xác định lá táo chữa viêm phế quản, khó thở. Năm 1979, Nguyễn Thị Huệ và cộng tác viên đã dùng chế phẩm viên ngậm lá táo điều trị thực nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc có tác dụng cắt cơn hen phế quản rõ rệt, với liều dùng 1 – 5 viên ngậm liên tục trong ngày, có tác dụng ngăn chặn sự xuất hiện cơn hen trong một số trường hợp, đồng thời có tác dụng long đờm và giảm ho. Với liều dùng không ảnh hưởng đáng kể đến tim và huyết áp.

Đối với các trường hợp hen tim, các cơn khó thở nguyên nhân do tuần hoàn, trường hợp hen nang, thuốc không có tác dụng. Trong quá trình điều trị thực nghiệm, chưa thấy xuất hiện trường hợp ngộ độc do thuốc. Phản ứng phụ thường gặp là khô và đắng miệng, ăn mất ngon và chỉ xuất hiện khi điều trị dài ngày. Dùng ngoài, lá táo giã nát với lá na, lá bồ công anh, lá tử vi, muối, đắp chữa mụn nhọt mưng mủ.

Toan táo nhân

BÀI THUỐC DÂN GIAN

Bài 1. Chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược.

Toan táo nhân (sao đen) 6g, Phục linh 5g, Xuyên khung 3g, Tri mẫu 4g, Cam thảo 2g. Nước 600ml sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Bài 2. Chữa đổ mồ hôi trộm.

Toan táo nhân, Nhân sâm, Phục linh (liều lượng bằng nhau), nghiền thành bột mịn, mỗi lần uống nửa chén nhỏ với nước cháo.

Bài 3. Chữa hồi hộp, bồn chồn, hay hoảng hốt, ngủ hay mê sảng

Toan táo nhân (sao đen) 6g, Long nhãn, Mạch môn, Hạt sen, Sinh địa, Thảo quyết minh, mỗi thứ 12g. Sắc nước hoặc làm viên uống trong ngày.

Bài 4. Chữa hen

Lá táo (sao vàng) 200 – 300g, sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn một giờ. Uống liên tục từ 1 tuần đến 2 tháng.

Bài 5. Chữa ho gà

Lá táo 300g, Lá chanh 300g, Lá dâu 200g. Tất cả phơi khô, tán thành bột mịn, luyện với mật ong làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 40 – 60 viên, chia làm 2 lần.

Bài 6. Viên ngậm chữa hen

Cao lá táo (5:1) 20mg, Cao cà độc dược 1mg, Cao gừng 0,5mg, Cao trần bì 2mg, Tá dược vừa đủ. Thuốc có tác dụng cắt cơn hen phế quản rõ rệt.

Leave Comments

0865032706
0865032706