THỒM LỒM – BẠN ĐÃ NGHE VỀ LOÀI CÂY THUỐC NÀY BAO GIỜ CHƯA? NGƯỜI BỊ VIÊM GAN RẤT CẦN ĐẾN

 

THÔNG TIN CHUNG

Tên gọi: Thồm lồm

  • Tên khoa học: Polygonum chinense L.. Họ Rau răm (Polygonaceae).
  • Tên khác: Đuôi tôm, lá lồm, mía bẹm, xốm cúng (Thái), xích địa lợi, hỏa mẫu thảo, Chinese knotweed (Anh).

Mô tả:

Cây bụi, sống dai. Thân tròn, nhẵn, phân cành nhiều, có khía. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc gần hình thận, đầu nhọn, những lá ở gần ngọn nhỏ hơn, gần tròn, không cuống và mọc ôm thân, hai mặt nhẵn, mặt trên đôi khi có vết rám đen hình chữ V; cuống lá ngắn, bẹ chìa hình trụ.

Cụm hoa mọc ở đầu ngọn thành xim, các xim lại tụ họp thành chùy tròn; lá bắc thuôn; hoa màu trắng hoặc hồng; bao hoa gồm 5 phiến bằng nhau; nhị 8.

Quả hình chóp, có 3 cạnh, khi chín màu đen.

Mùa hoa quả: tháng 8  – 11.

Phân bố, sinh thái:

Thồm lồm phân bố rộng rãi ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới Châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mianma, Lào, Indonesia và Việt Nam. Ở Việt Nam, thồm lồm là loại cây rất quen thuộc, phân bố từ vùng núi (trừ vùng cao lạnh trên 1500m) đến trung du và đồng bằng.

Thồm lồm là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc thành bụi lớn xen lẫn với các loại cây bụi khác ở ven rừng, ven đồi, đặc biệt ở ven các bờ sông suối, bờ ao hay lùm bụi quanh lành. Thồm lồm ra hoa quả nhiều hàng năm; hoa được thụ phấn nhờ côn trùng; tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cây chịu được chặt phá nhiều lần, phần còn lại có khả năng tái sinh khỏe.

Bộ phận dùng: Toàn cây và lá, thu hái quanh năm, dùng tươi.

Thành phần hóa học: 

Thồm lồm có batatinfolin (5, 6, 7, 4 – tetrahydroxy – 3’ – methoxyflavone, rubin, rheum emodin, oxymethylanthraquinon, anthraquinone glycoside, alcol myricylic. Ngoài ra còn có caroten, vitamin C (Võ văn Chi, 1997), acid ciagic (Trung dược từ hải I, 1993).

Tác dụng dược lý:

  1. Tác dụng trên thần kinh trung ương, lợi tiểu và độc tính: Tài liệu nghiên cứu sàng lọc của Ấn Độ cho thấy cao khô toàn cây thồm lồm bỏ tê chiết bằng cồn 50%, rồi cô dưới áp lực giảm đến khô với liều 250 mg/kg, có tác dụng ức chế hoạt động vận động tự nhiên, gây hạ thân nhiệt.  L.D₅₀ thử trên chuột nhắt trắng tiêm xoang bụng của cao khô là 1000 mg/kg.
  2. Tác dụng trên hồi tràng chuột lang và thần kinh trung ương. Dạng chiết cồn 50% toàn cây thồm lồm bỏ rễ có tác dụng làm tăng co bóp hồi tràng chuột lang cô lập. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, dùng liều lớn tiêm xoang bụng tính theo dược liệu khô là 10 g/kg, có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương.
  3. Thử nghiệm lâm sàng chữa bệnh ngoài da. Khoa Da liễu Viện Quân y 108 nấu lá tươi thồm lồm rồi cô thành cao đặc hoặc nấu lá khô thành cao lỏng. Dùng cao bôi ngày 2 – 3 lần chữa một số bệnh ngoài da do liên cầu khuẩn. Kết quả: Chốc đầu khỏi 9/11, loét kẽ tai 4/5, viêm da nhiễm khuẩn 4/4, chốc mép 1/1. Thời gian khỏi từ 4 – 8 ngày. Trước khi bôi thuốc, rần rửa vết loét bằng nước có vò lá thồm lồm tươi hoặc nước pha muối.

Tính vị quy kinh: Thồm lồm có vị hơi ngọt, cay, tính mát, quy vào 3 kinh Can, Tỳ và Đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu phù.

Công dụng:

Thồm lồm được dùng chữa lỵ, viêm ruột, viêm gan, viêm amidan, viêm họng, bạch hầu, ho gà, nấm âm đạo, xích bạch đới. Ngày 15 – 16g sắc uống. Dùng ngoài, chữa mụn nhọt, chốc lở ngoài da, viêm vú, rắn cắn, côn trùng đốt, đòn ngã, làm tan máu ứ.

Nhân dân các địa phương thường lấy lá thồm lồm tươi giã hoặc nhai nát đắp lên chỗ tại bị loét gọi là bệnh thồm lồm ăn tai hay chứng loét kẽ tai do nhiễm liên cầu khuẩn. Còn dùng chữa các trường hợp lở loét ngoài da khác.

Khi đi rừng khát nước, có thể lấy những đoạn thân gần ngọn ở những cây còn non chưa có hoa quả, đem tước bỏ vỏ ngoài, ăn phần mềm mọng nước sẽ thấy có vị ngọt, hơi chua và làm dịu cơn khát.

Cây thồm lồm

BÀI THUỐC DÂN GIAN

Bài 1. Chữa lỵ, viêm họng.

Thồm lồm 12g khô, sao với mật cho vàng. Sắc uống.

Bài 2. Chữa mụn nhọt, đòn ngã ứ máu, rắn cắn.

Lá thồm lồm tươi phối hợp với lá trầu không và hoa dâm bụt, giã nát, đắp. Để chữa rắn cắn, nhai lá nuốt nước, bã đắp.

Bài 3. Chữa chốc đầu, chốc mép, loét kẽ tai, viêm da nhiễm khuẩn.

Lá thồm lồm tươi rửa sạch, giã nát, thêm nước đun sôi để ấm lọc ép qua gạc được dung dịch đặc; hoặc lấy 5kg lá tươi, cho vào 10 lít nước, đun cạn còn 2 lít, lọc rồi cô thành cao, có thể nấu lá khô thành cao lỏng. Rửa sạch vết loét bằng nước có vò lá thồm lồm tươi hoặc nước sôi để ấm pha muối, rồi lấy thuốc bôi lên chỗ lở loét, ngày 2 – 3 lần. Dùng nhiều ngày.

Leave Comments

0865032706
0865032706